KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930-3/2/2020)

KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930-3/2/2020)
Cách đây 90 năm, ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu một bước ngoặt to lớn trong lịch sử cách mạng Việt Nam, một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc.

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, triều Nguyễn từng bước đầu hàng và dâng nước ta cho thực dân Pháp. Trong bối cảnh đất nước bị rơi vào ách nô lệ đã liên tục bùng nổ các cuộc đấu tranh giành lại độc lập tự do cho dân tộc, tiêu biểu như: phong trào Cần Vương, khởi nghĩa Yên Thế, phong trào Đông Du, Duy Tân, khởi nghĩa Yên Bái... nhưng tất cả đều bị dìm trong biển máu. Giữa lúc đất nước đứng trước khủng khoảng về đường lối cứu nước, nhiều nhà yêu nước đương thời vẫn tiếp tục con đường cứu nước theo lối cũ thì ngày 5 tháng 6 năm 1911 người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (tức là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này) ra đi tìm đường cứu nước theo phương hướng mới. Người đã đi qua nhiều nước ở châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ và phát hiện ra chân lý: chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc là cội nguồn mọi đau khổ của công nhân và nhân dân lao động ở chính quốc cũng như ở thuộc địa. Năm 1919, Người trở lại Pháp, đến Pari và năm 1919 gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Tháng 6/1919, thay mặt những người yêu nước Việt Nam, với tên gọi mới là Nguyễn Ái Quốc, Người gửi bản yêu sách 8 điểm tới Hội nghị Véc-xây. Tháng 7 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc bản "Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa" của Lênin, chính luận cương này làm cho Người tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Tại Đại hội Đảng xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành việc thành lập Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản do Lênin sáng lập) và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu một bước chuyển biến quyết định trong tư tưởng và lập trường chính trị của Nguyễn Ái Quốc, từ lập trường yêu nước chuyển sang lập trường cộng sản.

Từ năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin vào phong trào công nhân, phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người nhấn mạnh: cách mạng muốn thành công phải có đảng cách mạng chân chính lãnh đạo; đảng phải có hệ tư tưởng tiên tiến, cách mạng và khoa học dẫn đường, đó là hệ tư tưởng Mác- Lênin.

Người đã viết nhiều bài báo, nhiều bài tham luận tại các đại hội, hội nghị quốc tế, viết tác phẩm "Bản án chế độ thực dân Pháp" và tổ chức ra các tờ báo Thanh niên, Công nông, Lính cách mệnh, Tiền phong nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin vào Việt Nam. Năm 1927, Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức xuất bản tác phẩm "Đường cách mệnh" (tập hợp các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc ở lớp huấn luyện chính trị của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên). Đó là sự chuẩn bị về đường lối chính trị tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Người đã khẳng định, muốn thắng lợi thì cách mạng phải có một đảng lãnh đạo, Đảng đó có vững thì cách mạng mới thành công cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy.

Trong thời gian này, Người cũng tập trung cho việc chuẩn bị về tổ chức và cán bộ, Người đã lập ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (1925), tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ tại Quảng Châu, Trung Quốc, những đồng chí trải qua lớp đào tạo được đưa về trong nước tiếp tục hoạt động và một số đồng chí gửi đi học ở tại trường đại học Phương Đông (Liên Xô) và trường Lục quân Hoàng Phố (Trung Quốc) nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Nhờ những hoạt động tích cực của Người và nhiều đồng chí cách mạng tiền bối đã thúc phong trào cách mạng trong nước phát triển mạnh mẽ, góp phần tạo điều kiện cho việc thành lập Đảng ngày càng chín muồi.

Năm 1929, trong nước xuất hiện 3 tổ chức cách mạng: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn hoạt động khá độc lập và tranh giành quyền ảnh hưởng lẫn nhau. Một yêu cầu cấp bách đặt ra là phải thống nhất 3 tổ chức cộng sản trên thành một đảng duy nhất, chấm dứt tình trạng chia rẽ trong phong trào cách mạng Việt Nam và thống nhất về hành động, tư tưởng. Trước yêu cầu đó, Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức và chủ trì hội nghị hợp nhất Đảng tại Hương Cảng, Trung Quốc từ ngày 3 đến ngày 7-2-1930. Hội Nghị đã quyết định hợp nhất 3 tổ chức Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thảo luận và thông qua các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản. Những văn kiện đó do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, được Hội nghị hợp nhất Đảng thông qua là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam. Hội nghị đã thông qua lời kêu gọi Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam gửi đến đồng bào, đồng chí trong cả nước nhân dịp thành lập Đảng.

Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản có ý nghĩa như là Đại hội thành lập Đảng. Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam được thông qua tại Hội nghị hợp nhất do Nguyễn Ái Quốc Chủ trì đó chính là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã quyết nghị lấy ngày 3-2 dương lịch hàng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng.

Trong khi phong trào cách mạng trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nói riêng đang chìm trong đêm tối của khủng hoảng và bế tắc, sau nhiều năm hoạt động không mệt mỏi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài, chủ nghĩa Mác- Lênin từng bước được xâm nhập vào Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng. Một số người con của Quảng Nam ra học ở Huế đã nhanh chóng tiếp thu tư tưởng vô sản thông qua tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Năm 1927, sau cuộc bãi khóa ở Huế, đồng chí Đỗ Quang (người Quế Sơn), sau khi dự khóa huấn luyện ở Quảng Châu (Trung Quốc) về đã đứng ra vận động thành lập Ban Vận động Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tỉnh Quảng Nam. Chỉ một thời gian sau đó, Ban Vận động đã in tập "Đường Cách mệnh" của đồng chí Nguyễn Ái Quốc để làm tài liệu tuyên truyền, đồng thời chú trọng phát triển hội viên. Đầu năm 1928, Ban Chấp hành chính thức được thành lập do đồng chí Đỗ Quang làm Bí thư. Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển hội viên về các phủ, huyện, Kỳ bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên chủ trương tách Đà Nẵng ra khỏi Quảng Nam. Ban Chấp hành tỉnh Quảng Nam do đồng chí Trần Văn Tăng làm Bí thư.

Bên cạnh hoạt động Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Quảng Nam còn có tổ chức Tân Việt cách mạng đảng gọi tắt là Đảng Tân Việt. Đây thực chất là tổ chức chịu ảnh hưởng của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và được thành lập vào tháng 12-1926, Ban chấp hành Tỉnh bộ Tân Việt Quảng Nam do đồng chí Bùi Châu làm Bí thư. Tuy vậy, ở Quảng Nam lúc này, hoạt động cũng như ảnh hưởng của Đảng Tân Việt không sâu rộng bằng Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.

Giữa lúc phong trào cách mạng Việt Nam trên địa bàn tỉnh có chiều hướng phát triển thì đầu tháng 6 năm 1929, Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên nhận được tin có sự phân liệt trong kỳ Đại hội của Tổng hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Tiếp đó, xuất hiện truyền đơn kêu gọi thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng và hô hào hội viên Hội Việt Nam cách mạng thanh niên gia nhập Đảng. Ngày 17/6/1929, những người tiên tiến trong Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã đứng ra thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ, phát đi tuyên ngôn, cương lĩnh của Đảng đồng thời cử cán bộ tiếp cận với miền Trung và miền Nam để xây dựng tổ chức Đảng. Cuối tháng 6-1926, Xứ ủy Trung Kỳ được thành lập, đồng chí Nguyễn Phong Sắc được cử vào Quảng Nam để lập cơ quan Phân Xứ ủy. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng tỉnh Quảng Nam. Theo đó tháng 9 năm 1929 Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng tỉnh Quảng Nam được thành lập do đồng chí Phan Văn Định làm Bí thư.

Sau khi nghe phái viên của Đảng Cộng sản Việt Nam báo tin thắng lợi của Hội nghị hợp nhất Đảng, phổ biến Chính cương, Sách lược, Điều lệ tóm tắt của Đảng, Tỉnh bộ lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng Quảng Nam nhất trí thực hiện chủ trương hợp nhất Đảng.

Ngày 28-3-1930, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam ra thông cáo về việc thành lập Đảng bộ, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng trong phong trào cách mạng toàn tỉnh.

Tại Tam Kỳ, từ những năm 1925 đến năm 1930, một số thanh niên theo học Trường Quốc học Huế tham gia sinh hoạt tại nhà Hội Quảng Nam, đã sớm tiếp thu đường lối cách mạng của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, tin theo chủ nghĩa Mác- Lênin, trở thành những đối tượng cảm tình của Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, có người được kết nạp vào Hội. Tháng 7 năm 1927, đồng chí Khưu Thúc Cự (sinh ra tại làng Khánh Thọ Đông, xã Tam Thái) cùng với Nguyễn Thế Khải, Hồ Đắc Thành, Phan Kỉnh (Phán) và Phạm Cự Hải thành lập tại thị trấn Tam Kỳ nhóm hoạt cách mạng theo tôn chỉ mục đích của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên thông qua tủ sách "Chiêu anh thư quán" truyền bá tư tưởng cách mạng vô sản trong lớp thanh niên tiên tiến và những người lớn tuổi đã từng hoạt động trong phong trào yêu nước trước đây.

Chính sự tuyên truyền của tổ chức này, trên vùng đất Tam Kỳ đã xuất hiện một số nhóm cách mạng hoạt động của cụ Nguyễn Kế, Võ Chỉ, Võ Dương, Trần Xán và Đào Quang Hiển là những cốt cán của phong trào yêu nước trước đây, đã bị tù vì tham gia cuộc khởi nghĩa của Việt Nam quang phục hội năm 1916. Nhóm thông qua danh nghĩa Hội buôn bán nông lâm sản, liên kết với những người yêu nước trong phủ và các nơi để vận động cách mạng. Nội dung hoạt động của nhóm này còn lẫn lộn giữa hai xu hướng cách mạng quốc gia và cách mạng vô sản, chủ yếu là vận động chống chế độ thống trị của thực dân Pháp để cứu nước. Nhưng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời thì hầu hết thành viên của nhóm đều nhanh chóng chuyển theo đường lối cách mạng vô sản và trở thành đảng viên. Năm 1929, Hồ Đắc Thành và Phạm Cự Hải thành lập nhóm thanh niên hoạt động cách mạng tại Bàn Than (An Hòa) gồm có Võ Minh, Trần Học Giới và Lương Phố (Ngạt). Hoạt động của nhóm này dựa vào các tổ chức biến tướng như: Hội đồng dân trồng dừa, hội đá bóng, truyền bá văn thơ của các nhà yêu nước Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, đọc sách báo mới... để tuyên truyền, khêu gợi lòng yêu nước và tư tưởng cách mạng theo học thuyết Mác- Lênin. Nhóm cách mạng này hoạt động tương đối tích cực, nên đến đầu năm 1932, chuyển thành nhóm Cứu tế đỏ và tồn tại đến cuối năm 1932.

Sự ra đời của các nhóm cách mạng tiên tiến trên mảnh đất Tam Kỳ trong những năm 1927-1929 tạo ra bước chuyển biến về tư tưởng, chuẩn bị cho sự ra đời tổ chức Cộng sản ở Tam Kỳ. Và tháng 5/1930, tại chùa Ông (phường Phước Hòa), chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Tam Kỳ được thành lập, gồm có 3 đồng chí: Hồ Bằng (Quang), Phan Kỉnh (Phán) và Tư Định, do đồng chí Tư Định làm Bí thư. Sự ra đời của chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở tại Tam Kỳ đã tạo điều kiện để phong trào cách mạng trên địa bàn Tam Kỳ và huyện Phú Ninh sau này phát triển mạnh mẽ.

Với sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã mở ra một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của dân tộc ta, chấm dứt sự khủng hoảng bế tắc về đường lối và tổ chức lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đảng ra đời là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác- Lê Nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước; từ đây cách mạng Việt Nam đã có một lực lượng tiên phong lãnh đạo đó là giai cấp công nhân và lý luận khoa học mác xít soi đường dẫn lối; là kết quả tất yếu của quá trình lựa chọn, sàng lọc nghiêm khắc, khách quan của lịch sử.

BBT (Nguồn: Ban Tuyên giáo Huyện ủy)

 

Tác giả bài viết: Sưu tầm