Các yếu tố “tự thân” của thanh niên để hội nhập quốc tế

Để hội nhập quốc tế, thanh niên phải “hội” đủ các yếu tố chủ quan và khách quan. Trong giai đoạn hiện nay, yếu tố khách quan cơ bản đã “chín muồi”. Ở đây, xin được trao đổi về các yếu tố “tự thân” của thanh niên.
Ngoại ngữ, tin học: Chìa khóa để hội nhập  
Có một thực tế là phần lớn thanh niên hiện nay rất yếu ngoại ngữ và tin học. Trong khi đó, đây lại là hai nhân tố có vai trò rất lớn trong việc quyết định hội nhập vào sân chơi chung trong bối cảnh “thế giới phẳng” ngày nay. Hiện nay, tiếng Anh là ngôn ngữ phổ thông nhất trên thế giới và nó cũng là ngoại ngữ phổ biến ở Việt Nam. Phần lớn các công ty khi tuyển dụng đều yêu cầu trình độ Anh ngữ từ phía ứng viên. Chính vì vậy, thông thạo tiếng Anh sẽ là một lợi thế rất lớn cho việc xin việc làm cũng như nắm bắt được nhiều cơ hội khởi nghiệp từ sự hội nhập toàn cầu. Mỗi thanh niên hãy dành một thời gian nhất định trong ngày cho việc rèn luyện ngoại ngữ. Vì học ngoại ngữ giống như chiếc xe cần bôi dầu mỡ hàng ngày, nếu không nó sẽ trở nên hoen rỉ và khó khởi động. Các bạn trẻ có thể học ngoại ngữ bằng nhiều cách, như: qua băng nghe, phim ảnh, sách tham khảo… và hãy nối mạng nếu có thể, và cuối cùng, dù cho có phương pháp học tốt nhưng tinh thần, thái độ học tập không tốt thì cũng không đem lại hiệu quả. Vì vậy, hãy tạo cho mình sự hứng thú, niềm yêu thích và tinh thần sảng khoái khi học ngoại ngữ.
Cùng với ngoại ngữ, các nhà tuyển dụng cũng đòi hỏi các ứng viên có kiến thức về tin học để sử dụng máy tính, các phần mềm văn phòng, sử dụng internet thành thạo. Không chỉ để xin việc, thanh niên cũng nên ý thức được rằng việc sử dụng máy tính và internet thành thạo sẽ là một công cụ hữu hiệu phục vụ không chỉ cho công việc mà cho cả cuộc sống hàng ngày.
Một khi đã nắm vững 2 công cụ này, cộng với năng lực chuyên môn, thanh niên có thể hội nhập một cách dễ dàng vào thế giới rộng lớn, có thể nắm bắt được nhiều cơ hội hơn bởi nguồn thông tin đồ sộ trên internet là không của riêng ai, nhưng chỉ những người thông thạo ngoại ngữ và tin học mới có thể khai thác triệt để chúng.
Chuyên môn nhất định: Không thể thiếu
Thanh niên không thể thụ động chờ đợi tương lai, càng không thể đi tới tương lai nếu không có tri thức, trình độ văn hóa, chuyên môn, khoa học, kỹ thuật và tay nghề. Mỗi thanh niên trong giai đoạn hiện nay phải có chuyên môn sâu về một lĩnh vực cụ thể, tuỳ vào năng lực của từng người. Khả năng đó có cơ sở từ một trí tuệ và trình độ học vấn, tay nghề cao. Đây là yếu tố để thanh niên thực hiện được lý tưởng nghề nghiệp của mình. Một số bạn trẻ hiện nay vẫn quan niệm ấu trĩ “phải vào đại học mới có danh”, mà không nhận thức được rằng, đóng góp cho xã hội bằng năng lực, kiến thức, bàn tay của mình là hết sức quan trọng. Người thanh niên công nhân giỏi chuyên môn thể hiện ở trình độ kỹ thuật, tay nghề, có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật góp phần giảm những chi phí không cần thiết cho các doanh nghiệp, cho xã hội. Thanh niên vùng nông thôn giỏi chuyên môn được thể hiện ở chỗ, họ có khả năng nắm bắt kỹ thuật thâm canh, tăng năng suất, sản lượng đối với cây trồng vật nuôi. Đối với thanh niên là học sinh - sinh viên, trí thức, đó là những người học tập giỏi, có nhiều sáng kiến, phát minh khoa học, có những công trình nghiên cứu khoa học được áp dụng vào thực tiễn. Có một chuyên môn nhất định, một tay nghề vững vàng được coi là điều kiện cơ bản để thanh niên có thể tự tin trước sự phát triển của khoa học kỹ thuật, của hội nhập kinh tế thế giới với tính kỷ luật và cường độ lao động cao.
Am hiểu văn hóa dân tộc
Văn hóa không phải giá trị cố định, bất biến mà văn hóa luôn phát triển. Văn hóa là mục tiêu, động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội và tồn tại dưới các hình thức như: các công trình kiến trúc, vật dụng, ẩm thực, ngôn ngữ, tập quán, âm nhạc, tôn giáo…. Bản sắc văn hóa dân tộc là sắc thái gốc, là những đường nét, màu sắc riêng biệt không thể trộn lẫn của một nền văn hóa. Bản sắc văn hóa dân tộc làm nên cốt lõi vững chắc giúp cho nền văn hóa luôn giữ được tính duy nhất, tính nhất quán trong quá trình phát triển. Mỗi cá nhân với tư cách là một chủ thể sáng tạo văn hóa luôn thống nhất cái riêng của bản thân mình và cái chung của dân tộc. Vì vậy, bản sắc văn hóa dân tộc luôn chứa đựng cả tính nhân loại, cả tính khu vực và tính dân tộc.  
Trong thời đại ngày nay, xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, trên quy mô lớn. Nhiều nét mới trong giá trị vǎn hóa và chuẩn mực đạo đức từng bước hình thành. Tính nǎng động và tính tích cực công dân được phát huy, sở trường và nǎng lực cá nhân được khuyến khích. Không khí dân chủ trong xã hội tǎng lên. Thế hệ trẻ tiếp thu nhanh những kiến thức mới và có ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và luôn luôn hướng về cội nguồn; Bên cạnh những mặt tích cực, thì hội nhập Quốc tế cũng có những tác động tiêu cực đến sự gìn giữ bản sắc dân tộc ở nước ta hiện nay: Tệ sùng bái nước ngoài, coi thường những giá trị vǎn hóa dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ... đang gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc. Không ít trường hợp vì đồng tiền và danh vị mà chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp. Có rất ít tác phẩm văn học- nghệ thuật đạt đỉnh cao tương xứng với thành quả của công cuộc đổi mới.v.v…  
Trước những tác động hai mặt đó, trong quá trình hội nhập thanh niên phải chủ động lựa chọn, tiếp thu và phát huy những mặt tích cực, nhận biết và ngăn chặn, đẩy lùi những mặt tiêu cực của nền văn hóa bên ngoài. Các yếu tố tích cực từ bên ngoài chỉ phát huy hiệu quả khi chủ thể văn hóa- trong đó có thanh niên có ý thức chọn lọc, tiếp thu và phát huy nó. Những giá trị, nét đẹp của văn hóa dân tộc được lưu truyền, được thế giới biết đến khi thanh niên tự giác tìm hiểu, học tập và giới thiệu với bạn bè quốc tế.
Bản lĩnh và tỉnh táo: Hành trang hội nhập
Đặc điểm nổi bật của giai đoạn hiện nay là các nước với chế độ chính trị - xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Quá trình hội nhập quốc tế, cơ hội có thể dễ dàng nhận biết nhưng có những thách thức đang đặt ra đối với thanh niên hôm nay, trước hết là sự cạnh tranh gay gắt và ngày càng quyết liệt. Cùng với tiến trình hội nhập quốc tế, sự cạnh tranh đó không chỉ giữa các quốc gia với nhau mà còn cạnh tranh ngay tại trong nước. Lợi thế cạnh tranh giữa các quốc gia là trí tuệ, nhân lực. Giải pháp duy nhất là phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh mà trước hết là về chất lượng nguồn nhân lực. Muốn vậy, phải học tập, học nghiêm túc, học có chất lượng, học thường xuyên; đồng thời phải rèn luyện, phát triển các kỹ năng để làm việc và xử lý các vấn đề đặt ra với hiệu quả cao nhất.
 Là lực lượng lớn, ưu tú, tràn đầy tiềm năng trong xã hội, hơn ai hết, chính thanh niên là lực lượng chủ công, xung kích để đưa đất nước hội nhập quốc tế thành công. Và đó là một nhiệm vụ, là sứ mệnh to lớn, vẻ vang của thanh niên hôm nay. Cùng với trình độ ngoại ngữ, tin học, hiểu biết văn hóa dân tộc, đất nước mình,…để hội nhập quốc tế đòi hỏi thanh niên phải trang bị cho mình một bản lĩnh vững vàng, phải không ngừng nâng cao được bản lĩnh chính trị. Thế giới mà chúng ta hội nhập đã, đang và sẽ hết sức phức tạp. Do đó cần phải hết sức tỉnh táo để phân biệt được cái đúng, cái sai, cái thật, cái ảo... Vì vậy, cần có được một thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn và tiến bộ. Điều này đặc biệt cần thiết trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay.
Kỷ luật lao động, kỹ năng làm việc theo nhóm.
Xu thế toàn cầu hoá sẽ tạo ra thị trường lao động toàn cầu, công dân toàn cầu, thanh niên toàn cầu... mặc dù trong thời gian qua thanh niên nước ta đã tiếp cận dần với trình độ, sức khoẻ của thanh niên khu vực và thanh niên thế giới. Thanh niên Việt Nam có trình độ văn hoá, chuyên môn và tay nghề, ý chí và nghị lực không thua kém thanh niên các nước. Nhưng thanh niên nước ta còn thua kém thanh niên các nước tiên tiến về kỷ luật lao động, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tham gia các hoạt động quốc tế... Có nhiều nguyên nhân, một trong số đó là thiếu cơ hội để “cọ xát” nên chúng ta dễ rơi vào tâm lý e ngại, tự ti khi bước chân vào “đấu trường quốc tế”, hạn chế khả năng sáng tạo cũng như kỹ năng thuyết trình trước đám đông của thanh niên, trong khi đó làm việc theo nhóm là một thế mạnh của thanh niên nước ngoài.
Để tăng cường kỹ năng làm việc theo nhóm, mỗi thanh niên phải không ngừng học hỏi, đọc sách báo về các nền văn hóa, tìm hiểu về lịch sử, tôn giáo, giá trị, phong tục của các địa phương, các quốc gia để có thể hiểu được nhiều nhất các thành viên khác nghĩ gì và hành động như thế nào qua giao tiếp cá nhân – cá nhân. Không ngừng cải thiện kỹ năng viết, một kênh giao tiếp quan trọng. Viết sao cho rõ ràng, ngắn gọn, tránh sử dụng thành ngữ, tiếng lóng… Làm sao cho người đọc hiểu thông điệp mình muốn gửi đến họ như mình hiểu. Cải thiện kỹ năng nói, cần luyện sao cho trường độ, cao độ, âm lượng và âm vực tiếng nói rõ ràng, dễ hiểu với người nghe. Ngoài ra khi nói, kết hợp với ngôn ngữ không lời (động tác tay, chân, nét mặt…) phù hợp với ngữ cảnh gây ấn tượng với người nghe. Phải biết lắng nghe- Lắng nghe người khác là biểu thị sự tôn trọng họ.
Nhìn chung, để hội tụ đủ 5 yếu tố trên cần có thời gian và môi trường nhất định, trong đó có vai trò của tổ chức Đoàn. Tổ chức Đoàn cần xác định hội nhập quốc tế là một mũi xung kích; trang bị, vận động và tổ chức tốt cho giới trẻ hăng hái tham gia vào chủ trương lớn tích cực và chủ động hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta; trang bị nhận thức đúng đắn về hội nhập quốc tế cho thanh niên, cung cấp thông tin cập nhật cho thanh niên, phát động phong trào và cổ vũ thanh niên học ngoại ngữ, tin học, rèn luyện kỹ năng, mở rộng không gian quan hệ quốc tế cho thanh niên, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động giao lưu quốc tế của Đoàn, học hỏi phong trào thanh niên của các quốc gia thế giới./.

Tác giả bài viết: Viết Thành