TÓM TẮT DI TÍCH LỊCH SỬ CHỨNG TÍCH KHÁNH THỌ - XÃ TAM THÁI HUYỆN PHÚ NINH

TÓM TẮT DI TÍCH LỊCH SỬ CHỨNG TÍCH KHÁNH THỌ - XÃ TAM THÁI HUYỆN PHÚ NINH
Chứng tích Khánh Thọ là một quần thể văn hóa có từ thời phong kiến, được xây dựng trong giai đoạn cách mạng 1945-1954, gồm: đình làng Khánh Thọ Tây, đình làng Khánh Thọ Đông; chùa làng Khánh; giỏ ngói Khánh Xuân; Trường Tam Kỳ II, Trường Lớp bốn xây dựng năm 1949.
TÓM TẮT DI TÍCH LỊCH SỬ CHỨNG TÍCH KHÁNH THỌ - XÃ TAM THÁI HUYỆN PHÚ NINH
 
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi oanh liệt với trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, công nhận chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Thế nhưng, Hiệp định Giơ-ne-vơ ký chưa ráo mực, Mỹ liền thay Pháp xé bỏ Hiệp định âm mưu chiếm lâu dài miền Nam Việt Nam. Tháng 6 năm 1954, đế quốc Mỹ đưa Ngô Đình Diệm từ Mỹ về dựng lên chính quyền bù nhìn tay sai ở miền Nam. Sau khi lên nắm  chính quyền, Mỹ-Diệm đã có dã tâm xây dựng miền Nam Việt Nam trở thành một “quốc gia mạnh” của “thế giới tự do”. Từ trung ương tới cơ sở, chúng tập hợp những bọn phản động, những tên có hận thù với cách mạng làm hậu thuẫn, mở các chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”. Chúng nêu khẩu hiệu hành động “ giết nhầm hơn bỏ sót” để hòng tiêu diệt cán bộ nằm vùng, tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa Cộng sản; ra sức đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân và thẳng tay đàn áp, sát hại, phục thù những người kháng chiến nhằm tạo uy thế và điều kiện nhanh chóng hình thành bộ máy chính quyền nguỵ cấp cơ sở.
Tháng 5 năm 1955, Diệm mở chiến dịch “tố cộng” đánh phá ác liệt ở các tỉnh Trung bộ mà trọng điểm là tỉnh Quảng Nam gây ra những vụ thảm sát đẫm máu như ở Chợ Được (Thăng Bình), Vĩnh Trinh (Duy Xuyên), Cây Cốc (Tiên Phước) và đặc biệt là ở Khánh Thọ (Tam Kỳ). Để làm được việc này, bên cạnh bộ máy nguỵ quyền cấp quận, chúng còn lập ra cấp khu, một cấp tổ chức mang tính quá độ làm nhiệm vụ giúp cấp quận đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng, ổn định tình hình xây dựng chính quyền nguỵ cấp cơ sở xã thôn trên toàn miền Nam.

 Tại Tam Kỳ, Quảng Nam (bao gồm huyện Núi Thành và Phú Ninh ngày nay) Mỹ-Diệm thành lập 3 khu: khu Tây; khu Nam và khu Bắc. Cơ quan khu Tây đóng tại làng Ngọc Nha xã Kỳ Quế (nay thuộc xã Tam Lãnh). Ba tháng sau, cơ quan khu Tây bị nhóm Quốc dân đảng ly khai đốt phá nên đầu năm 1955 bọn chúng phải chuyển về Rừng làng Khánh Thọ, xã Kỳ Nghĩa (nay thuộc xã Tam Thái). Đặt chân đến Khánh Thọ, bọn nguỵ quyền khu Tây chiếm dụng phòng học lớp bốn của trường tiểu học, Một cơ sở dạy học duy nhất còn lại sau kháng chiến chống Pháp để làm cơ quan hành chính; chiếm giỏ ngói Khánh Xuân làm nhà giam; chiếm đình làng Khánh Thọ Đông làm nơi tra tấn, sát hại người kháng chiến, đồng thời biến khuôn viên đình làng Khánh Thọ Đông và khu Rừng chùa làng Khánh Thọ (có diện tích rộng hơn 5 ha) thành nơi chôn xác người mà chúng sát hại tại chỗ, cũng như xác người từ các nơi khác chở đến. Sau khi tra tấn tù nhân đến chết, chúng thường chôn xác ở giếng, hầm trú ẩn, có khi treo cổ nạn nhân lên cây. Tù nhân bị tra tấn, giết chết ở khu Tây, người tại chỗ chỉ là phần nhỏ, đa phần là người ở các huyện trong tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng. Qua thu thập hồ sơ và thống kê số liệu kể cả trong thời kỳ Mỹ nguỵ tạm thời kiểm soát cũng như sau ngày giải phóng đất nước, từ năm 1954 đến năm 1958, bọn nguỵ quyền khu Tây đã bắt giam, tra xét 4329 lượt người, trong đó có trên 300 người bị giết chôn tại chỗ. Năm 2001, khi đào móng xây dựng nhà văn hoá thôn tại nền đình Khánh Thọ Đông (cũ) đã hai lần phát hiện và khai quật trong phạm vị hơn 8 m2 đã có đến 31 bộ hài cốt liệt sĩ.

Để hỗ trợ cho bộ máy ngụy quyền khu Tây gây án, thường xuyên tại Khánh Thọ còn có Tiểu đoàn 74 thuộc Sư đoàn chủ lực nguỵ số 25; một Đại đội bảo an; một Trung đội biệt chính, dân vệ canh phòng, tuần tra và phối hợp với mạng lưới công an, chỉ điểm, biệt chính, dân vệ các xã trên địa bàn khu ngày đêm lùng sục, tổ chức khủng bố ráo riết người kháng chiến. Hằng ngày tại văn phòng khu, hàng loạt mệnh lệnh được tống đạt đi khắp nơi lùng sục, vây ráp, bắt giữ những người tham gia kháng chiến và có quan hệ với kháng chiến theo danh sách đã được xác lập. Đó là những cán bộ đảng viên, trong đó đảng viên có chức vụ bị chúng liệt vào “ Danh sách đen” (sẽ thủ tiêu trước) và những người tham gia ký đòi hiệp thương tổng tuyển cử, những quần chúng trung kiên, những gia đình có người thân đi tập kết, đi kháng chiến, giúp đỡ, đóng góp cho cách mạng, cho kháng chiến, những người xuống đường biểu tình phản đối hành vi vi phạm Hiệp định của chúng... lượng người bị bắt tới tấp đưa về khu Tây mỗi ngày một đông. Chúng trói chặt người bị bắt, xâu thành chuỗi ngồi dày đặc trong nền nhà văn phòng khu, trong các phòng của trường tiểu học, ở trụ sở hội đồng hương chính ngụy quyền xã và nhà giam giỏ ngói Khánh Xuân. Lúc quá đông, chúng còn trói từng nhóm 2-3 người để ở gốc cây hoặc nhốt vào buồng đất nhà dân rồi đưa lính đến canh giữ. Người bị bắt đưa về khu Tây lập tức bị chúng đánh phủ đầu để uy hiếp tinh thần. Sau đó chúng chia từng kíp công an đến nơi giam giữ khai thác tra tấn với đủ các ngón đòn man rợ. Đánh trước mặt người tù, đánh công khai ở ngoài sân chùa, sân đình, sân giỏ và đánh riêng lẻ trong các nhà dân. Cả một góc trời Khánh Thọ suốt ngày đêm không ngớt tiếng kêu la thảm khốc. Trong quá trình khai thác, không ít trường hợp chúng dùng dao đâm máu chảy đầm đìa hoặc đánh người đến ngất lịm rồi phơi nắng suốt ngày, chiều gặp mưa giông, đêm dầm sương lạnh, người tù bị chết lúc nào chúng không để ý, hay biết.

Thủ đoạn của chúng là ban ngày vây ráp, lùng bắt, giam giữ tra tấn, ban đêm giết chôn. Tất cả tù nhân tại khu Tây, tối đến lần lượt đều bị đưa từ giỏ Khánh Xuân ra nhà hương hội đình Khánh Thọ Đông để: “ Làm thủ tục ly khai Đảng, ly khai cách mạng" với các thủ đoạn: đầu đội đèn; hai gối quỳ thẳng trên bàn đinh; quỳ trên mẻ chai hoặc gai vỏ mít và toàn thân không được cử động. Vì thế, không ít người bị ngất lịm, chết tại chỗ, ai không khai báo, không chấp nhận ly khai, chúng đổ nước xà phòng trộn với ớt bột vào miệng, bịt mũi cho nước vào đến khi căng bụng rồi giậm giày đinh lên rốn cho nước trào ra, hay trói ngoặc hai tay ra sau lưng rồi treo lơ lững trên trần nhà, dùng đũa con móc xoáy sườn non và khoá dây có một đầu bịt đồng đánh bay người vòng vèo trên không trung. Riêng tù nhân nữ, không ít trường hợp bị chúng làm nhục rồi lấy cổ chai đập bể xoáy nát cửa mình. Người chết không chịu nổi đòn tra, chúng chôn tại chỗ, người còn có thể lê lếch thì chúng đưa lên khu vực trường Tam Kỳ 2, trường tiểu học (lớp Bốn) giết chôn ở giếng Cốc quỳ, giếng chùa và các hầm hào. Bọn đao phủ giết người bằng sợi dây thừng siết chặt cổ tù nhân hoặc dùng thanh sắt dẹp đánh mạnh vào ót (gáy). Đối với những tù nhân là người địa phương hay ở nơi khác mà dân làng biết rõ họ, tên như đồng chí Bùi Chí Đức, Đào Ngọc Bích, Lê Y, Đinh Huynh, Phạm Lương Duyên, ông xã Hoàng, ông Nguyễn Hàng ...vv. thì thường sau khi giết, chôn xong, bọn chúng bắn một loạt súng lên trời và hô lớn " Đương sự tẩu thoát", thậm chí treo cổ người bị giết trên cây rồi đổ cho tù nhân tự vận để đánh lừa dư luận như trường hợp của đồng chí Ung Nho Tường sau khi bị tra tấn và giết chết, bọn chúng dựng hiện trường giả treo cổ ở lùm cây sau chùa. Đó là chưa kể những cán bộ đảng viên trung kiên là người địa phương, bị chúng bỏ vào bao tải thả sông phi tang hoặc chuyển vào khu Nam giết chôn như đồng chí Trần Hầu, Nguyễn Khuê. Riêng những tốp tù nhân được dẫn độ từ Trà My, Tiên Phước xuống hay tù nhân ở các nhà lao quận Tam Kỳ, Đà Nẵng và các huyện Thăng Bình, Quế Sơn... được ô tô bịt kín chở đến vào khoảng 4 - 5 giờ chiều hằng ngày thì chúng tạm giam tại nhà dân chung quanh chợ, tối lại đưa ra rừng chùa giết chôn. Tiền công trả cho bọn đao phủ giết người trong những trường hợp này bằng cách nhét sẵn vào túi áo mỗi tù nhân 300 đồng tiền nguỵ, người giết thuê móc túi lấy tiền trước khi lấp đất phủ kín xác người bị giết thì xem như đã “ thanh toán sòng phẳng”.

Với những thủ đoạn hiểm độc từ chỉ điểm vây bắt đến giam tù, tra tấn, giết chôn nói trên, trong vòng 4 năm (1955 - 1958) toàn bộ hệ thống hầm hào, giếng nước trong khu Rừng Chùa và khuôn viên đình làng rộng chừng 5 héc ta đã bị kẻ thù lấp kín xác tù chính trị. Minh chứng cho tội ác tày trời này được thống kê qua một số sự kiện:
- Mùa hè năm 1960, bọn lính nguỵ sang ủi mặt bằng khu vực trường Tam Kỳ 2 để xây dựng chi khu quân sự, viên đại uý Lộc - chi khu trưởng ác ôn đã cho lính cóp nhặt 251 sọ người chất thành đống và rưới xăng đốt phi tang.
- Ngày 14 - 12 - 2001, khi đào móng làm nhà văn hoá thôn tại nền đình Khánh Thọ Đông (cũ), những người thợ xây dựng đã phát hiện trong một hố nhỏ  hơn 8 m2 có đến 31 bộ hài cốt.
- Ngày 10 - 7 - 2002, thực hiện chủ trương tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của thị xã và tỉnh, xã đội Tam Thái đã tìm thấy 23 bộ hài cốt tại vị trí cây Cốc quỳ-giếng nước của văn phòng trường Tam Kỳ 2.
- Tháng 6 năm 2005, khi đào móng 2 mố trụ công trình xây dựng trường tiểu học tại khu rừng chùa, đơn vị thi công đã bắt gặp mỗi mố trụ một bộ hài cốt ở tư thế nằm nghiêng với độ sâu ngang tầm đáy hầm trú ẩn hồi kháng chiến chống thực dân Pháp.

Như vậy, chưa tính đến số hài cốt đã được nhân dân địa phương chỉ dẫn cho thân nhân bốc dời gần hết ở chung quanh trường tiểu học (lớp 4) và khu vực gần chùa Khánh Thọ trong 30 năm qua (trừ giếng bà Kép chưa được khai quật) đã có đến trên 300 sinh mạng đồng chí, đồng bào yêu nước bị kẻ thù sát hại chôn tập trung ở một số khu vực chính trên địa bàn Khánh Thọ và đó chưa phải là con số cuối cùng vì còn nhiều vị trí chưa được thăm dò, khảo sát, khai quật. Riêng đối với những người tù còn may mắn sống sót đều bị bệnh tật suốt đời và đến nay đa phần đã từ trần. Một số ít còn lại sống trong trạng thái sức khoẻ yếu kém.

Chứng tích tội ác mà Mỹ - ngụy gây ra ở Khánh Thọ xuyên suốt cả một giai đoạn lịch sử mà Đảng ta đánh giá là: “ giai đoạn đen tối của cách mạng miền Nam 1954-1959". Hành trạng và quy mô tội ác của kẻ thù hết sức thâm độc, làm tổn thất cho cách mạng không chỉ bó hẹp trên phạm vi của địa phương xã Tam Thái mà cho cả huyện Tam Kỳ (cũ) và tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Đây là cuộc đấu tranh không cân sức giữa hai thế lực cách mạng và phản cách mạng, giữa hai phương thức đối lập: một bên là thuần tuý đấu tranh chính trị, chấp nhận hy sinh vì chân lý, bảo vệ thành quả cách mạng và một bên là phục thù giai cấp bằng bạo lực phản cách mạng cực kỳ phản động chưa từng có trong lịch sử dân tộc. Cuộc đấu tranh này trở thành chặng đường mở đầu cho cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của toàn dân tộc ở địa phương trong suốt 21 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cũng từ thực tiễn đấu tranh đầy cam go và thử thách này. Đảng ta đã rút được bài học quý giá về sự thâm độc, tàn ác của kẻ thù đối với con đường đấu tranh cách mạng đòi lại chân lý của nhân dân ta. Qua đó làm chuyển biến tình hình kháng chiến chống xâm lược và tay sai ở miền Nam, đưa sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Tác giả bài viết: Trung tâm VH-TT&TT-TH huyện