Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng) đặt câu hỏi:

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương trên cả nước, trong đó có tỉnh Lâm Đồng, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho ý kiến đối với một số đề xuất của địa phương nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển mục đích sử dụng rừng để triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể đối với 13 dự án phải chuyển mục đích sử dụng rừng năm 2023 như sau:

1. Đối với việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép (không quy định về diện tích)

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên như đối với rừng trồng tùy theo diện tích.

2. Trường hợp trong cùng một dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng nhưng vừa có diện tích thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh

Đề nghị đối với phần diện tích cần chuyển mục đích sử dụng rừng thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thì phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng.

3. Việc quy định chuyển mục đích sử dụng rừng phải phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp quốc gia gây khó khăn trong quá trình thực hiện, diện tích nhỏ, phát sinh sau khi quy hoạch lâm nghiệp được phê duyệt; vì vậy đề xuất giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh cục bộ đối với các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng phát sinh, sau đó tổng hợp trình điều chỉnh chung cho toàn quốc.

4. Đối với các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng, khi triển khai rà soát có sự thay đổi cục bộ mà tổng diện tích rừng giảm so với quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đề nghị ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương quyết định việc điều chỉnh mà không phải thực hiện lại trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ trả lời như sau:

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là chủ trương xuyên suốt, nhất quán trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phải được thực hiện trên cơ sở chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp, pháp luật hiện hành. Tại Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, Chính phủ đã đề ra mục tiêu đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền nhằm phân định rõ nhiệm vụ và quyền hạn, thẩm quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm, bảo đảm phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, nhất là người đứng đầu; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực Nhà nước chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, của pháp luật, góp phần xây dựng nền hành chính Nhà nước dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phục vụ nhân dân.

Chính phủ cũng đã đề ra lộ trình xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương. Thời gian vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành một số cơ chế, chính sách thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền về một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quản lý nhà nước về rừng tại các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa.

Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về lâm nghiệp, trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội các địa phương nói chung, trong đó có tỉnh Lâm Đồng, đồng thời phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng rừng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường, thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế, đặc biệt là cam kết của Việt Nam tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2007, Thỏa thuận Paris năm 2015 (COP21), Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Đối với các nội dung chất vấn cụ thể của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo

Đối với các nội dung chất vấn cụ thể của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo liên quan đến khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển mục đích sử dụng rừng để triển khai các dự án phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng:

1. Đối với ý kiến "Đối với việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép (không quy định về diện tích). Đề nghị Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên như đối với rừng trồng tùy theo diện tích".

Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Lâm nghiệp, việc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Chính phủ đã phân công Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng. Vì vậy, trong thời điểm hiện tại, chưa đủ cơ sở pháp lý để Thủ tướng Chính phủ phân cấp lại cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh như kiến nghị của Đại biểu.

Vấn đề trên sẽ được nghiên cứu, đề xuất sửa đổi trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 trên tinh thần một luật sửa nhiều luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, đảm bảo tuân thủ đúng các nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tại Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2023, Chính phủ đã giao: "Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đi đôi với việc có công cụ kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp…".

2. Đối với ý kiến "Trường hợp trong cùng một dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng nhưng vừa có diện tích thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Đề nghị đối với phần diện tích cần chuyển mục đích sử dụng rừng thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thì phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng".

Thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã được quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Lâm nghiệp, pháp luật về lâm nghiệp hiện hành không quy định cụ thể đối với "Trường hợp trong cùng một dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng nhưng vừa có diện tích thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh" thì phải trình cấp có thẩm quyền cao hơn.

Liên quan vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xử lý trong quá trình xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP theo hướng: "Trường hợp trong cùng một dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng nhiều loại rừng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng của cấp khác nhau (Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) thì trình cấp có thẩm quyền cao nhất quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với toàn bộ diện tích rừng đề nghị chuyển mục đích sử dụng của dự án hoặc trình quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 14, Điều 20 Luật Lâm nghiệp". Hiện nay, dự thảo Nghị định đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu, hoàn thiện.

3. Đối với ý kiến "Việc quy định chuyển mục đích sử dụng rừng phải phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp quốc gia gây khó khăn trong quá trình thực hiện, diện tích nhỏ, phát sinh sau khi quy hoạch lâm nghiệp được phê duyệt; vì vậy đề xuất giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh cục bộ đối với các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng phát sinh, sau đó tổng hợp trình điều chỉnh chung cho toàn quốc".

Việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đang thực hiện theo nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng quy định tại khoản 1 Điều 14 và khoản 1 Điều 19 Luật Lâm nghiệp.

Để giải quyết vướng mắc nêu trên, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP sẽ quy định thế nào là "phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp quốc gia" theo hướng khi thực hiện chuyển mục đích sử dụng đối với diện tích rừng nhỏ thì chỉ cần đáp ứng tiêu chí "phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện".

4. Đối với ý kiến "Đối với các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng, khi triển khai rà soát có sự thay đổi cục bộ mà tổng diện tích rừng giảm so với quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương quyết định việc điều chỉnh mà không phải thực hiện lại trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng".

Luật Lâm nghiệp, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP chưa quy định đối với trường hợp có sự thay đổi về diện tích rừng (tăng, giảm) so với chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Kiến nghị nêu trên của Đại biểu đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xử lý trong quá trình hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP:

Đối với trường hợp có sự thay đổi về vị trí, địa điểm, loại rừng đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng: thực hiện điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Cơ quan quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác là cơ quan quyết định điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng.

Đối với trường hợp không làm thay đổi vị trí, địa điểm, loại rừng đã được quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng: không phải thực hiện lại trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng. Việc quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng được thực hiện trong phạm vi diện tích đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương".