Quy chế này quy định thẩm quyền, trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Nội vụ, người đứng đầu các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ; trách nhiệm của người tiếp công dân trong việc tiếp công dân, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Bộ Nội vụ và người được giao xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Quy chế áp dụng đối với các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ, người đứng đầu các đơn vị và các cá nhân có liên quan đến việc tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Bộ Nội vụ.

Việc tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Bộ Nội vụ, các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ được thực hiện theo quy định Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành; quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ, của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ; quy chế làm việc của Bộ Nội vụ, của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ; quy trình ISO về xử lý đơn của Bộ Nội vụ; quy chế công tác văn thư lưu trữ của Bộ Nội vụ, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Nội vụ và quy chế này.

Quy chế của Bộ Nội vụ nêu rõ, thời gian tiếp công dân định kỳ của Bộ trưởng Bộ Nội vụ vào ngày thứ 4 tuần thứ 2 hàng tháng. Nếu ngày tiếp công dân định kỳ của Bộ trưởng Nội vụ trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo. Trường hợp Bộ trưởng không thể tiếp công dân theo lịch đã công bố vì lý do khách quan thì có thể lùi lịch tiếp công dân sang thời gian khác.

Khi tiếp công dân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc người được phân công thực hiện theo quy định tại Điều 8, khoản 4, Điều 18 Luật Tiếp công dân, khoản 4, Điều 4 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Điều 9 Thông tư số 04/2021/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình tiếp công dân.

Theo quy chế, Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ chuyển đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tới cá nhân hoặc các đơn vị thuộc, trực thuộc bộ theo chức năng, nhiệm vụ trong trường hợp Bộ trưởng tiếp nhận đơn. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng có thể phân công thứ trưởng, chỉ đạo các đơn vị xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo, phản ánh theo quy định pháp luật. Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật công chức, viên chức của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp.

Các cá nhân, đơn vị ở Bộ Nội vụ có thành tích trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được khen thưởng theo quy định. Ngược lại, người có trách nhiệm nhưng lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân mà xâm phạm, cản trở đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì còn phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Người đứng đầu các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trực tiếp trước Bộ trưởng và trước pháp luật nếu để công chức, viên chức do mình quản lý trực tiếp có hành vi vi phạm pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. 

Quy chế cũng nêu rõ các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp công dân tại nơi tiếp công dân.

Các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; xử lý nghiêm người vi phạm; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm cho quyết định giải quyết được thi hành nghiêm và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ và cá nhân có liên quan có trách nhiệm phối hợp trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; cung cấp thông tin tài liệu có liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Nội vụ, đề nghị của Thanh tra Bộ và các cơ quan khác có liên quan…

Các cá nhân, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ có thành tích trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Người có trách nhiệm tiếp công dân, xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân mà xâm phạm, cản trở đến quyền, lợi ích hợp pháp về khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Người đứng đầu các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trực tiếp trước Bộ trưởng và trước pháp luật nếu để công chức, viên chức do mình quản lý trực tiếp có hành vi vi phạm pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Phương Anh