15:26 ICT Thứ bảy, 20/04/2024
.

KỶ NIỆM 86 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930-3/2/2016)

Đăng lúc: Thứ hai - 18/01/2016 10:20 - Người đăng bài viết: NCN1303
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 86 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930-3/2/2016)
I- SỰ RA ĐỜI CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, ĐẢNG BỘ TỈNH QUẢNG NAM VÀ ĐẢNG BỘ HUYỆN PHÚ NINH
1. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam:
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, triều Nguyễn từng bước đầu hàng và dâng nước ta cho thực dân Pháp. Trong bối cảnh đất nước bị rơi vào ách nô lệ đã liên tục bùng nổ các cuộc đấu tranh giành lại độc lập tự do cho dân tộc, tiêu biểu như: phong trào Cần Vương, khởi nghĩa Yên Thế, phong trào Đông Du, Duy Tân, khởi nghĩa Yên Bái... nhưng tất cả đều bị dìm trong biển máu. Giữa lúc đất nước đứng trước khủng khoảng về đường lối cứu nước, nhiều nhà yêu nước đương thời vẫn tiếp tục con đường cứu nước theo lối cũ thì ngày 5 tháng 6 năm 1911 người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (tức là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này) ra đi tìm đường cứu nước theo phương hướng mới. Người đã đi qua nhiều nước ở châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ và phát hiện ra chân lý: chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc là cội nguồn mọi đau khổ của công nhân và nhân dân lao động ở chính quốc cũng như ở thuộc địa. Năm 1919, Người trở lại Pháp, đến Pari và năm 1919 gia nhập Đảng Xã hôi Pháp. Tháng 6/1919, thay mặt những người yêu nước Việt Nam, với tên gọi mới là Nguyễn Ái Quốc, Người gửi bản yêu sách 8 điểm tới Hội nghị Véc-xây. Tháng 7 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, chính luận cương này làm cho Người tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Tại Đại hội Đảng xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành việc thành lập Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản do Lênin sáng lập) và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu một bước chuyển biến quyết định trong tư tưởng và lập trường chính trị của Nguyễn Ái Quốc, từ lập trường yêu nước chuyển sang lập trường cộng sản.
Từ năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin vào phong trào công nhân, phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người nhấn mạnh: cách mạng muốn thành công phải có đảng cách mạng chân chính lãnh đạo; đảng phải có hệ tư tưởng tiên tiến, cách mạng và khoa học dẫn đường, đó là hệ tư tưởng Mác - Lênin.
Người đã viết nhiều bài báo, nhiều bài tham luận tại các đại hội, hội nghị quốc tế, viết tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và tổ chức ra các tờ báo Thanh niên, Công nông, Lính cách mệnh, Tiền phong nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Năm 1927, Bộ tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức xuất bản tác phẩm “Đường cách mệnh” (tập hợp các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc ở lớp huấn luyện chính trị của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên). Đó là sự chuẩn bị về đường lối chính trị tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Người đã khẳng định, muốn thắng lợi thì cách mạng phải có một đảng lãnh đạo, Đảng đó có vững thì cách mạng mới thành công cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy.
Trong thời gian này, Người cũng tập trung cho việc chuẩn bị về tổ chức và cán bộ, Người đã lập ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (1925), tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ tại Quảng Châu, Trung Quốc, những đồng chí trải qua lớp đào tạo được đưa về trong nước tiếp tục hoạt động và một số đồng chí gửi đi học ở tại trường đại học Phương Đông (Liên Xô) và trường Lục quân Hoàng Phố (Trung Quốc) nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Nhờ những hoạt động không biết mệt mỏi của Người và nhiều đồng chí cách mạng tiền bối đã thúc phong trào cách mạng trong nước phát triển mạnh mẽ, góp phần tạo điều kiện cho việc thành lập Đảng ngày càng chín muồi.
Năm 1929 trong nước xuất hiện 3 tổ chức cách mạng: Đông Dương Cộng Sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng Sản Liên đoàn hoạt động khá độc lập và tranh giành quyền ảnh hưởng lẫn nhau. Một yêu cầu cấp bách đặt ra là phải thống nhất 3 tổ chức cộng sản trên thành một đảng duy nhất, chấm dứt tình trạng chia rẽ trong phong trào cách mạng Việt Nam và thống nhất về hành động, tư tưởng. Trước yêu cầu đó, Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức và chủ trì hội nghị hợp nhất Đảng tại Hương Cảng, Trung Quốc từ ngày 3 đến ngày 7.2.1930. Hội Nghị đã quyết định hợp nhất 3 tổ chức Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thảo luận và thông qua các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản. Những văn kiện đó do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, được Hội nghị hợp nhất Đảng thông qua là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam. Hội nghị đã thông qua lời kêu gọi Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam gửi đến đồng bào, đồng chí trong cả nước nhân dịp thành lập Đảng.
Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản có ý nghĩa như là Đại hội thành lập Đảng. Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam được thông qua tại Hội nghị hợp nhất do Nguyễn Ái Quốc Chủ trì đó chính là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã quyết nghị lấy ngày 3-2 dương lịch hàng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng.
2. Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam:
Trong khi phong trào cách mạng trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nói riêng đang chìm trong đêm tối của khủng hoảng và bế tắc, sau nhiều năm hoạt động không mệt mỏi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài, chủ nghĩa Mác - Lênin từng bước được xâm nhập vào Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng. Một số người con của Quảng Nam ra học ở Huế đã nhanh chóng tiếp thu tư tưởng vô sản thông qua tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Năm 1927, sau cuộc bãi khóa ở Huế, đồng chí Đỗ Quang (người Quế Sơn), sau khi dự khóa huấn luyện ở Quảng Châu (Trung Quốc) về đã đứng ra vận động thành lập Ban Vận động Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tỉnh Quảng Nam. Chỉ một thời gian sau đó, Ban Vận động đã in tập “Đường Cách mệnh” của đồng chí Nguyễn Ái Quốc để làm tài liệu tuyên truyền, đồng thời chú trọng phát triển hội viên. Đầu năm 1928, Ban Chấp hành chính thức được thành lập do đồng chí Đỗ Quang làm Bí thư. Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển hội viên về các phủ, huyện, Kỳ bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên chủ trương tách Đà Nẵng ra khỏi Quảng Nam. Ban Chấp hành tỉnh Quảng Nam do đồng chí Trần Văn Tăng làm Bí thư.
Bên cạnh hoạt động Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Quảng Nam còn có tổ chức Tân Việt cách mạng đảng gọi tắt là Đảng Tân Việt. Đây thực chất là tổ chức chịu ảnh hưởng của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và được thành lập vào tháng 12/1926, Ban chấp hành Tỉnh bộ Tân Việt Quảng Nam do đồng chí Bùi Châu làm Bí thư. Tuy vậy, ở Quảng Nam lúc này, hoạt động cũng như ảnh hưởng của Đảng Tân Việt không sâu rộng bằng Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.
Giữa lúc phong trào cách mạng Việt Nam trên địa bàn tỉnh có chiều hướng phát triển thì đầu tháng 6 năm 1929, Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên nhận được tin có sự phân liệt trong kỳ Đại hội của Tổng hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Tiếp đó, xuất hiện truyền đơn kêu gọi thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng và hô hào hội viên Hội Việt Nam cách mạng thanh niên gia nhập Đảng. Ngày 17/6/1929, những người tiên tiến trong Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã đứng ra thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ, phát đi tuyên ngôn, cương lĩnh của Đảng đồng thời cử cán bộ tiếp cận với miền Trung và miền Nam để xây dựng tổ chức Đảng. Cuối tháng 6/1926 Xứ ủy Trung Kỳ được thành lập, đồng chí Nguyễn Phong Sắc được cử vào Quảng Nam để lập cơ quan Phân Xứ ủy. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng tỉnh Quảng Nam. Theo đó tháng 9 năm 1929 Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng tỉnh Quảng Nam được thành lập do đồng chí Phan Văn Định làm Bí thư.
Sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập, không bao lâu An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn ra đời ở Nam Kỳ và Trung Kỳ. Tiếp đó, từ ngày 3 đến ngày 7/2/1930 dưới sự chủ trì của của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất các tổ chức Đảng Cộng sản được tiến hành và thống nhất thành lập một Đảng Cộng sản duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ở Quảng Nam, sau khi nghe phái viên của Đảng Cộng sản Việt Nam báo tin thắng lợi của Hội nghị hợp nhất Đảng, phổ biến Chính cương, Sách lược, Điều lệ tóm tắt của Đảng, Tỉnh bộ lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng Quảng Nam nhất trí thực hiện chủ trương hợp nhất Đảng.
Ngày 28/3/1930, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam ra thông cáo về việc thành lập Đảng bộ, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng trong phong trào cách mạng toàn tỉnh.
3. Sự ra đời của Đảng bộ huyện Phú Ninh:
Từ những năm 1925 đến năm 1930 ở tại Tam Kỳ, một số thanh niên theo học Trường Quốc học Huế tham gia sinh hoạt tại nhà Hội Quảng Nam, đã sớm tiếp thu đường lối cách mạng của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, tin theo chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành những đối tượng cảm tình của Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, có người được kết nạp vào Hội. Tháng 7 năm 1927, đồng chí Khưu Thúc Cự (sinh ra tại làng Khánh Thọ Đông, xã Tam Thái) cùng với Nguyễn Thế Khải, Hồ Đắc Thành, Phan Kỉnh (Phán) và Phạm Cự Hải thành lập tại thị trấn Tam Kỳ nhóm hoạt cách mạng theo tôn chỉ mục đích của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên thông qua tủ sách “Chiêu anh thư quán” truyền bá tư tưởng cách mạng vô sản trong lớp thanh niên tiên tiến và những người lớn tuổi đã từng hoạt động trong phong trào yêu nước trước đây. Chính sự tuyên truyền của tổ chức này, trên vùng đất Tam Kỳ đã xuất hiện một số nhóm cách mạng hoạt động. Năm 1929, Hồ Đắc Thành và Phạm Cự Hải thành lập nhóm thanh niên hoạt động cách mạng tại Bàn Than (An Hòa) gồm có Võ Minh, Trần Học Giới và Lương Phố (Ngạt). Hoạt động của nhóm này dựa vào các tổ chức biến tướng như: Hội đồng dân trồng dừa, hội đá bóng, truyền bá văn thơ của các nhà yêu nước Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, đọc sách báo mới... để tuyên truyền, khêu gợi lòng yêu nước và tư tưởng cách mạng theo học thuyết Mác- Lênin. Nhóm cách mạng này hoạt động tương đối tích cực, nên đến đầu năm 1932, chuyển thành nhóm Cứu tế đỏ và tồn tại đến cuối năm 1932. Những năm 1927-1929, trên đất Tam Kỳ còn xuất hiện nhóm hoạt động cách mạng của cụ Nguyễn Kế, Võ Chỉ, Võ Dương, Trần Xán và Đào Quang Hiển là những cốt cán của phong trào yêu nước trước đây, đã bị tù vì tham gia cuộc khởi nghĩa của Việt Nam quang phục hội năm 1916. Nhóm thông qua danh nghĩa Hội buôn bán nông lâm sản, liên kết với những người yêu nước trong phủ và các nơi để vận động cách mạng. Nội dung hoạt động của nhóm này còn lẫn lộn giữa hai xu hướng cách mạng quốc gia và cách mạng vô sản, chủ yếu là vận động chống chế độ thống trị của thực dân Pháp để cứu nước. Nhưng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời thì hầu hết thành viên của nhóm đều nhanh chóng chuyển theo đường lối cách mạng vô sản và trở thành đảng viên.
Sự ra đời của các nhóm cách mạng tiên tiến trên mảnh đất Tam Kỳ trong những năm 1927-1929 tạo ra bước chuyển biến về tư tưởng, chuẩn bị cho sự ra đời tổ chức Cộng sản ở Tam Kỳ. Và tháng 5/1930, tại chùa Ông (phường Phước Hòa), chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Tam Kỳ được thành lập, gồm có 3 đồng chí: Hồ Bằng (Quang), Phan Kỉnh (Phán) và Tư Định, do đồng chí Tư Định làm Bí thư. Đến tháng 7-1930, chi bộ kết nạp 2 đồng chí Khưu Thúc Cự và Hồ Đắc Thành vào Đảng. Sự ra đời của chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở tại Tam Kỳ đã tạo điều kiện để phong trào cách mạng trên địa bàn Tam Kỳ và huyện Phú Ninh sau này phát triển mạnh mẽ hơn, đánh dấu một bước ngoặt lớn cho thời kỳ đấu tranh giành độc lập tự do có Đảng lãnh đạo.  
II- THÀNH TỰU KINH TẾ XÃ HỘI, AN NINH QUỐC PHÒNG, XÂY DỰNG ĐẢNG CỦA HUYỆN PHÚ NINH QUA 11 NĂM THÀNH LẬP
Chặng đường 41 năm sau ngày giải phóng, gần 11 năm điều chỉnh địa giới hành chính thành lập lại huyện, cũng là chặng đường mà Đảng bộ và nhân dân Phú Ninh phải trải qua với bao khó khăn thách thức, nỗ lực phấn đấu, từng bước đi lên và đạt được những thành tựu đáng tự hào. Và tự hào hơn khi huyện Phú Ninh được Trung ương chọn là 01 trong 05 huyện trên toàn quốc thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới, đến nay đã tổ chức phát động xây dựng nông thôn mới rộng khắp trên toàn huyện và đạt được những kết quả quan trọng.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả. Xã điểm Tam Phước và 2 xã Tam An, Tam Thành được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 vào cuối năm 2014. Năm 2015, có thêm 05 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (Tam Thái, Tam Dân, Tam Đại, Tam Đàn, Tam Vinh); 02 xã Tam Lãnh, Tam Lộc đạt 17/19 tiêu chí; huyện đã hoàn chỉnh thủ tục để trình tỉnh, trung ương công nhận huyện nông thôn mới. Tổng nguồn vốn huy động đầu tư xây dựng nông thôn mới trong 4 năm qua là 780,8 tỷ đồng[1]. Qua triển khai xây dựng, đến nay bộ mặt nông thôn của huyện và các xã có nhiều khởi sắc; đời sống, thu nhập của nhân dân được nâng lên; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh tiếp tục được cải thiện; đã xuất hiện một số mô hình sản xuất mới đem lại hiệu quả cao; các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn đa dạng hơn; công tác bảo vệ môi trường được quan tâm thực hiện; văn hóa- xã hội có nhiều tiến bộ; an ninh trật tự được giữ vững; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn. Các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện chương trình, vai trò chủ thể ngày càng thể hiện rõ nét hơn. Hiệu quả lãnh đạo, điều hành, tham gia phối hợp thực hiện của các cơ quan trong hệ thống chính trị được nâng lên.
Kinh tế phát triển toàn diện, tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu chuyển dịch tích cực. Tổng giá trị sản xuất đạt 4.226 tỷ đồng (theo giá hiện hành), tăng bình quân 17,11%/năm, bằng 2,48 lần so với năm 2010. Tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm còn 22%; CN-XD: 44,5%; TM-DV: 33,5%. Thu nhập thực tế bình quân đầu người đạt trên 26 triệu đồng/người/năm, tăng 14,62 triệu đồng so với năm 2010.
Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện. Năm 2015, tốc độ tăng trưởng ngành Nông lâm thủy sản tăng 4,3% so với năm 2014 (giá so sánh năm 2010). Giá trị bình quân trên đơn vị diện tích canh tác đạt 60,46 triệu đồng/ha. Đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo được nhiều vùng sản xuất chuyên canh có quy mô và hiệu quả, như lúa giống hàng hóa, dưa hấu, rau các loại... Chăn nuôi tiếp tục phát triển, các mô hình chăn nuôi gia trại, trang trại tăng về số lượng và hiệu quả. Tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch đạt 70% diện tích sản xuất lúa, tăng 2,5 lần so với năm 2010. Kinh tế hợp tác, hợp tác xã tiếp tục phát triển. Hiện có 15 hợp tác xã và 23 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có liên doanh, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản và cung ứng dịch vụ, xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Nhiều công trình thủy lợi nhỏ, kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi hóa đất màu được tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp, với nguồn vốn trên 95 tỷ đồng. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục được chú trọng. Đã triển khai Đề án phát triển lâm nghiệp theo quy hoạch phát triển 3 loại rừng; tổ chức giao khoán cho người dân quản lý bảo vệ rừng phòng hộ với diện tích 784,6ha. Thực hiện tốt công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và phòng ngừa dịch bệnh, hạn chế tối đa những thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra.
Công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng nhanh, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế. Giá trị sản xuất CN-XD (giá so sánh 2010) đạt 1.383 tỷ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ. Trong đó giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 975 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ. Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm, điểm CN-TTCN và thu hút đầu tư được chú trọng, góp phần phát triển sản xuất, tăng nhanh giá trị toàn ngành, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trên địa bàn. Tổng vốn đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp giai đoạn 2011-2015 đạt gần 300 tỷ đồng. Đầu tư xây dựng mới 02 cụm CN-TTCN Chợ Lò, Phú Mỹ (giai đoạn 1), điểm CN-TTCN ở Phú Thịnh và tiếp tục hoàn thiện hạ tầng cụm CN-TTCN Tam Đàn, thu hút được 12 doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh, tập trung vào một số ngành như may mặc, gia công, chế biến lâm sản, mộc, cơ khí... Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngoài các cụm CN-TTCN tăng nhanh về số lượng và hoạt động có hiệu quả[2]. Nhà máy Nước khoáng Phú Ninh được đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, thị trường tiêu thụ được mở rộng.
Giá trị TM-DV năm 2015 (giá so sánh 2010) đạt 1.035 tỷ đồng, tăng 21,1% so với cùng kỳ. Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển thương mại, dịch vụ được tập trung triển khai. Hoạt động thương mại, dịch vụ ở khu trung tâm xã Tam Dân, Tam Phước, Tam Đàn phát triển nhanh. Hạ tầng các chợ tiếp tục đầu tư nâng cấp đảm bảo điều kiện mua bán, giao thương của nhân dân. Số cơ sở hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ tăng gần gấp đôi so với năm 2010[3].
Tổng thu ngân sách hằng năm tăng bình quân trên 5%, giá trị tuyệt đối tăng 26% so với năm 2010. Nguồn lực trong dân và trong xã hội bước đầu được khai thác có hiệu quả bằng việc thực hiện các cơ chế xã hội hóa đầu tư trên các lĩnh vực; trong đó nhân dân đầu tư, đóng góp đạt 65.895 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 10,1% tổng vốn xây dựng nông thôn mới. Cùng với các nguồn trên, huyện cũng đã tập trung khai thác nguồn nội lực từ quỹ đất để đầu tư phát triển, bình quân đạt 17 tỷ đồng/năm.
Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhiều kết quả quan trọng. Năm 2015, tỷ lệ đường trục xã, liên xã được bê tông và nhựa hóa đạt 85,9%; tỷ lệ đường thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn trên 86,4%, tăng 55% so với năm 2010; tỷ lệ đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa đạt trên 95%; đường trục chính giao thông nội đồng sau dồn điền, đổi thửa được bê tông, cứng hóa và nền đường đầm chặt xe cơ giới đi lại được thuận tiện đạt 62,75%; đường ĐT đạt tiêu chuẩn cấp IV đạt 37,5%. 100% số xã, thị trấn đạt tiêu chí nông thôn mới về điện và có điện chiếu sáng ở khu trung tâm.
Giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa và các lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, cơ sở vật chất, quy mô mạng lưới trường lớp tiếp tục được hoàn thiện và phát triển. 100% các xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập THCS mức độ 2 trở lên; phổ cập bậc trung học 9/11 xã, thị trấn; 100% trường tiểu học dạy tin học; 100% trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia, tăng 18 trường so với đầu nhiệm kỳ. Có 8 trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3. Mô hình các lớp THCS chất lượng cao bước đầu đã phát huy hiệu quả.
100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế theo tiêu chí cũ, trong đó có 8/10 xã đạt chuẩn quốc gia theo chuẩn mới. Tỷ lệ hộ gia đình có 03 công trình hợp vệ sinh đạt 93%; tỷ suất sinh thô giảm còn 12,72%0 (giảm 0,75%so với năm 2014); tỷ lệ sinh con 3+ còn 13,33% (giảm 3,2% so với năm 2014); tỉ lệ trẻ em SDD dưới 5 tuổi thể cân nặng giảm còn 8,45%, thể thấp còi giảm còn 13,3%. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 81,5%.
Chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với các nội dung trong xây dựng nông thôn mới được nâng lên. Xây dựng và nâng cấp 16 nhà văn hóa, khu thể thao, nâng tổng số 81/85 nhà văn hóa, khu thể thao thôn, khối phố đạt chuẩn; Tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đạt 90,5%; thôn (khối phố) văn hóa đạt 92%; 96% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; có thêm 05 tộc họ ra mắt và 06 tộc họ được công nhận tộc họ văn hóa, nâng tổng số tộc họ văn hóa trên địa bàn huyện được công nhận 45 tộc họ; có 6/10 xã văn hóa và thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
Chăm lo và giải quyết kịp thời chế độ chính sách cho người có công cách mạng. Hoàn thành hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp 543 nhà cho đối tượng chính sách với tổng kinh phí trên 19 tỷ đồng; hoàn thành Đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính Phủ với 341 nhà vào năm 2011. Nghĩa trang liệt sĩ ở cấp xã và huyện được tập trung đầu tư nâng cấp với tổng kinh phí trên 31 tỷ đồng. Các chính sách an sinh xã hội triển khai thực hiện đồng bộ gắn với các chương trình mục tiêu về giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 giảm còn 3,7%, hộ cận nghèo giảm còn 5,28%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55,2%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm trên 50,2%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trên 91,5%. Bình quân mỗi năm giải quyết việc làm mới cho 1.000 lao động.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định. Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội được đẩy mạnh. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với xây dựng đời sống văn hóa, thi đua xây dựng nông thôn mới thực hiện có hiệu quả hơn, tạo thành sức mạnh tổng hợp để giữ vững an ninh nông thôn, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Công tác xây dựng xã, thị trấn vững mạnh toàn diện được chú trọng. Giao quân hàng năm đạt 100% chỉ tiêu.
Công tác xây dựng Đảng được tập trung lãnh đạo và đạt được nhiều kết quả. Tập trung chỉ đạo tổ chức thành công đại hội đảng bộ, chi bộ cơ sở và đại hội điểm Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020.
Những khuyết điểm, hạn chế trong 3 nhóm vấn đề cấp bách theo Nghị quyết TW4 đã được các cấp ủy, chính quyền, các ngành tích cực khắc phục; tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý được nâng lên. Những vấn đề tồn tại, dư luận quan tâm được tập trung chỉ đạo quyết liệt để khắc phục, đến nay đã giải quyết dứt điểm một số việc. Qua đó đã tạo được nhận thức chung và bầu không khí đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn. Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị tiếp tục được tập trung lãnh đạo với nhiều giải pháp, hình thức cụ thể, thiết thực; việc làm theo tấm gương của Bác thể hiện rõ nét hơn so với trước đây, đã xuất hiện nhiều gương điển hình mới trên các lĩnh vực.
Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu tiếp tục nâng lên. Ở cấp huyện, tỷ lệ cán bộ trẻ đạt 16,86%, tỷ lệ cán bộ nữ đạt 19,28%; cán bộ trưởng, phó phòng của huyện trở lên đạt 03 chuẩn từ 58% năm 2010 đến nay nâng lên 90,54%, trình độ thạc sỹ chiếm 9,63%; cán bộ, công chức xã, thị trấn đạt 3 chuẩn từ 77,36% năm 2010 tăng lên 96,24%, trong đó tỷ lệ có trình độ cao đẳng, đại học chuyên môn chiếm 72,3%; cấp ủy viên xã, thị trấn 100% đạt 3 chuẩn. Việc xây dựng chi bộ dưới cơ sở đạt nhiều kết quả tích cực. Đến cuối năm 2015, có 100% thôn, khối phố, trường học, trạm y tế có chi bộ đảng; 129/152 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở có chi ủy, đạt tỷ lệ 85%; số chi bộ thôn, khối phố, chi bộ quân sự, trường tiểu học, THCS có chi ủy đạt 100%. Tỷ lệ đảng viên được phân công giữ chức vụ trưởng thôn, khối phố đạt 100%; phó thôn, khối phố kiêm thôn, khối đội trưởng đạt 100%; công an viên đạt 100%; trưởng ban công tác Mặt trận đạt 100%; trưởng các đoàn thể đạt 96%; phó các đoàn thể đạt 79%.
          Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, góp phần thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng; kịp thời uốn nắn những mặt yếu kém, hạn chế, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm của tổ chức Đảng và đảng viên. Công tác dân vận của Đảng có chuyển biến về nhiều mặt. Hoạt động dân vận của chính quyền, Mặt trận TQVN, các đoàn thể chính trị- xã hội được đổi mới một bước về nội dung, phương thức, chất lượng được nâng lên. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được thực hiện tốt hơn, góp phần huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.
 
Tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, mỗi tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên chúng ta càng thấy rõ hơn trách nhiệm to lớn và nặng nề của mình với Đảng, với nhân dân. Để Phú Ninh tiếp tục phát triển toàn diện, xứng đáng với niềm tin yêu và mong đợi của nhân dân, xứng đáng với danh hiệu anh hùng, Đảng bộ và nhân dân huyện Phú Ninh tiếp tục cụ thể hóa các Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh thành các chương trình, hành động thiết thực, phù hợp với thực tiễn. Trong đó, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, bản lĩnh chính trị và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; khai thác mọi nguồn lực, tranh thủ mọi sự giúp đỡ của cấp trên để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong năm 2016 và của giai đoạn 2015-2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX đã đề ra; lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Để làm được điều đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trên địa bàn huyện cùng đồng tâm hiệp lực, thống nhất ý chí và hành động tạo nên sức mạnh tổng hợp đưa Phú Ninh ngày một phát triển, sớm trở thành huyện nông thôn mới trong năm 2016./.   
 

[1] Trong đó vốn ngân sách nhà nước là 441,4 tỷ đồng, chiếm 56,5%; nhân dân đầu tư, đóng góp đạt 81,1 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,4%; vốn tín dụng 138,5 tỷ, chiếm 17,7%; vốn doanh nghiệp và các tổ chức khác 119,8 tỷ, chiếm 15,3% tổng vốn xây dựng nông thôn mới.
[2] Cuối năm 2010 chỉ có 21 doanh nghiệp, 928 hộ cá thể. Đến nay đã có 54 doanh nghiệp, 11 HTX có hoạt động sản xuất CN-TTCN và 1.277 hộ sản xuất cá thể.
[3] Tính đến nay, tổng số cơ sở hoạt động thương mại, dịch vụ là 2.740 cơ sở (38 doanh nghiệp, 7 HTX, 2695 hộ cá thể); tăng 1.022 cơ sở so với năm 2010.

Tác giả bài viết: Huyện đoàn Phú Ninh
Nguồn tin: BTG huyện ủy
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
.
.
Bí thư Huyện đoàn
Tel: 05103.823.888
Hội LHTN huyện
Tel: 05103.847.383
Hội đồng đội huyện
Tel: 05103.823.888
.
.
.
.
.
.

 
  
logokn
spkn
undefined
bnvieclam
logobantin copy
ytuong

Đoàn xã Tam Lộc
Đoàn xã Tam Phước
Đoàn xã Tam Thành
Đoàn xã Tam An
Đoàn xã Tam Đàn
Đoàn xã Tam Đại
Đoàn xã Tam Thái
Đoàn xã Tam Lãnh
Đoàn xã Tam Dân
Đoàn xã Tam Vinh
Đoàn Thị trấn Phú Thịnh
Đoàn cơ sở Công an huyện
Đoàn cơ sở cơ quan Chính quyền
Chi đoàn Kho bạc nhà nước
Chi đoàn NHCS-BHXH
Chi đoàn CQQS
Chi đoàn Trung tâm y tế
Chi đoàn Cơ quan Đảng
Chi đoàn CQ MT-ĐT
Đoàn trường THPT Trần Văn Dư
Đoàn trường THPT Nguyễn Dục
.
.
Thăm dò ý kiến
.

Theo bạn tuổi trẻ Huyện Phú Ninh nên có trang tin điện tử riêng?

Rất cần thiết

Không cần thiết

Sao cũng được

  • Đang truy cập: 35
  • Hôm nay: 5717
  • Tháng hiện tại: 144504
  • Tổng lượt truy cập: 17310403
.
.
.