Lan tỏa mạnh mẽ phong trào sinh viên khởi nghiệp

GD&TĐ - Sau 2 năm triển khai Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, phong trào khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên đã có những tín hiệu khả quan.
Lan tỏa mạnh mẽ phong trào sinh viên khởi nghiệp
Bộ GD&ĐT có nhiều hoạt động tích cực, xây dựng cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi, thể hiện vai trò kết nối cho hoạt động khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục.

Dạy sinh viên tinh thần khởi nghiệp

Từng là doanh nhân, sở hữu nhiều doanh nghiệp và bây giờ vẫn là một nhà đầu tư, PGS.TS Trương Thị Nam Thắng - Giám đốc Trung tâm Sáng tạo Xã hội và Khởi nghiệp - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: Có thể thấy, tinh thần khởi nghiệp của các bạn học sinh, sinh viên những năm gần đây đang lên rất cao.

Đặc biệt, Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” đã đem lại một luồng sinh khí mới, sự hào hứng cho học sinh, sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học, khát khao khởi nghiệp ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường.

Hiện nay, giới trẻ Việt Nam có tinh thần khởi nghiệp cao nhưng vẫn gặp phải nhiều rào cản, nhất là vấn đề vốn. Bên cạnh đó, mối liên hệ giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp đang còn lỏng lẻo. Các hoạt động khởi nghiệp tại một số trường vẫn mang tính trình diễn, phong trào và lúng túng về mô hình hoạt động, hạn chế ở khung pháp lý.

Những năm trước đây, hầu hết các trường đại học ở Việt Nam chưa có hệ sinh thái hỗ trợ cho khởi nghiệp, chưa có trung tâm ươm tạo khởi nghiệp thực sự. Hầu hết các nhà trường chỉ đào tạo trong phạm vi khung chương trình đã đặt ra nhằm đạt được mục tiêu của mình mà ít có ý tưởng gì về tinh thần khởi nghiệp kinh doanh.

Do vậy, cần phải xây dựng hệ thống sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp tại các cơ sở giáo dục đại học, vì đây là môi trường trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm để sẵn sàng khởi nghiệp. Xây dựng trường ĐH định hướng khởi nghiệp sẽ tạo môi trường phát triển tinh thần và thực hiện khởi nghiệp.

Sau 2 năm triển khai Đề án 1665, tinh thần khởi nghiệp tại Trường ĐH Ngoại thương lên rất cao. PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương khẳng định: Nhà trường muốn ươm tạo những dự án tốt để giới thiệu cho các quỹ đầu tư, nhà đầu tư nhằm biến ý tưởng của sinh viên thành hiện thực thay vì chỉ dừng lại ở đào tạo bồi dưỡng tinh thần doanh nhân cho sinh viên như một số trường đang làm.

Các hoạt động khởi nghiệp cho sinh viên được nhà trường triển khai dưới hình thức các cuộc thi, ví dụ như Khởi nghiệp cùng Kawai, FBA Innovation

Challenge, IPChallenge, I-invest, Bản lĩnh Marketer, Cuộc thi khởi nghiệp dành cho các bạn trẻ khối Pháp ngữ…

Trong chương trình đào tạo, Trường Ngoại thương cũng đã đưa vào môn học “Tinh thần kinh doanh khởi nghiệp”. Để hỗ trợ sinh viên trong hoạt động khởi nghiệp, nhà trường cũng lập ra trung tâm “Ươm tạo và sáng tạo FTU”, hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp của sinh viên.
 

 
       
 Nhóm sinh viên trình bày ý tưởng khởi nghiệp tại SV Startup 2019.
Ảnh: Vân Anh.
 

Liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp

Nắm bắt nhu cầu và đáp ứng yêu cầu thực tế, nhiều trường ĐH đã hình thành các vườn ươm trong việc gắn kết với các doanh nghiệp, PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Từ nhiều năm nay, nhà trường đã tăng cường hợp tác, kết nối, tiếp xúc với doanh nghiệp.

Nhà trường luôn quan tâm và xác định mối quan hệ giữa Trường Đại học - Doanh nghiệp, gắn nghiên cứu - triển khai với thực tiễn sản xuất - kinh doanh, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp là mục tiêu nhằm đóng góp vào sự phát triển chung của sự nghiệp Khoa học công nghệ và Giáo dục đại học Việt Nam.

Thực hiện chủ trương NCKH phải gắn kết chặt chẽ với môi trường KT-XH, sản xuất kinh doanh, hệ thống doanh nghiệp của nhà trường được thành lập và tổ chức theo mô hình tập đoàn. Hệ thống doanh nghiệp của trường bao gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (BK Holdings) và các công ty thành viên (gồm 5 công ty cổ phần, 1 công ty liên kết và 1 trường cao đẳng nghề).

Công ty BK Holdings có nhiệm vụ quản lý vốn của trường; quản lý và giám sát hoạt động của các công ty thành viên. Các công ty thành viên trực tiếp tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh và là cầu nối cho các hoạt động chuyển giao công nghệ, nhằm đưa các kết quả NCKH của trường vào thực tế.

Mục đích của những đề án hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp khác không phải là tạo ra những sản phẩm công nghệ, những mô hình khởi sự kinh doanh hay những công ty starup thành công, mà quan trọng hơn là tạo sân chơi cho học sinh, sinh viên được học và rèn luyện năng lực nghiên cứu sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp.

TS Nguyễn Trung Dũng - Tổng Giám đốc BK Holdings, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định: Sáng tạo, khởi nghiệp như một kim tự tháp gồm 3 phần, phần đế là sáng tạo, phần giữa là đổi mới và phần ngọn là khởi nghiệp. Theo đó, mỗi phần đều có rất nhiều tổ chức trung gian liên quan, nhưng ở đó đều có sự xuất hiện của trường đại học.

Tuy nhiên, theo góc nhìn của ông Dũng, đang có sự thiên lệch khi phần khởi nghiệp nằm ở ngọn nhưng lại được nhắc đến nhiều, trong khi phần đế sáng tạo, đổi mới lại chưa được chú trọng. Chính vì thế, ông Dũng đánh giá, sự ra đời của Đề án 1665 góp phần xây dựng lên nền tảng vững chắc cho kim tự tháp: Đổi mới - sáng tạo - khởi nghiệp.


Tác giả bài viết: Vân Anh

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn