Chọn mặt gửi vàng

Ngày 22.5 này, cả nước rộn ràng với cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Đây là sự kiện chính trị trọng đại để nhân dân thực hiện quyền lựa chọn đại biểu của mình, “chọn mặt gửi vàng” để xây dựng cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.
Đã 70 năm trôi qua, kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên được tổ chức cho đến nay, Quốc hội nước ta đã trải qua 13 khóa hoạt động. Quá trình lịch sử vận động và phát triển của cách mạng Việt Nam trải qua nhiều ghềnh thác, bộ máy quyền lực Nhà nước thực hiện nhiều cải cách, nhưng việc lựa chọn người đại biểu để gánh vác công việc nước nhà vẫn còn nguyên ý nghĩa như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Ngày mai dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng để thay mặt cho mình gánh vác việc nước. Ngày mai người ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu được bầu thì ít, tất nhiên có người được cử, có người không được cử, những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào...”.
Rõ ràng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, quyền bầu cử và ứng cử là quyền thiêng liêng của công dân. Nhân dân ta, dân tộc ta phải hy sinh rất nhiều công sức, cả máu xương nữa, để giành được quyền ấy. Vì thế mỗi kỳ tổng tuyển cử, là dịp để người dân tự do, bình đẳng và đoàn kết tìm ra những “công bộc” xứng đáng đại diện cho mình. Thế nào là người xứng đáng? Mỗi giai đoạn lịch sử cần có lớp người đại diện với những phẩm chất, năng lực phù hợp. Thời chiến, đó có thể là những người có khả năng lãnh đạo, chỉ huy, tập hợp quần chúng để thành một lực lượng đoàn kết đánh giặc cứu nước, là đại diện của tập thể anh hùng, đại diện các mặt trận kháng chiến và các binh chủng. Thời bình, đó là những người có năng lực hoạch định chiến lược và lãnh đạo việc xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc, giữ vững nền độc lập dân tộc và khối đại đoàn kết toàn dân. Ngày nay, mục tiêu làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh chính là thước đo căn bản để “chọn mặt gửi vàng” tìm người đại biểu tham gia xây dựng bộ máy nhà nước. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, để xứng đáng là đại biểu của dân, những người được chọn cũng phải là lực lượng tiên phong trên các lĩnh vực, tiếp cận được tri thức tiên tiến của thời đại, đủ khả năng tham gia hoạch định chính sách nhằm khơi dậy nội lực quốc gia, tranh thủ được nguồn lực và sự ủng hộ của thế giới để xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh.
Quy mô của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và hội đồng nhân dân các cấp lần này rất lớn, với khoảng hơn 63 triệu cử tri cả nước (riêng Quảng Nam, có hơn 1,1 triệu cử tri), có thể xem là “mùa gieo hạt” lớn nhất cho những hy vọng vào chặng đường phát triển mới. Vì thế, việc “chọn mặt gửi vàng”, chọn người đại biểu xứng đáng - hạt giống tốt, là để có mùa vàng bội thu. Hạt giống nào được chọn sẽ  được nhân dân chăm sóc, tạo điều kiện thuận lợi thêm để phát triển bằng chính công sức, tiền đóng thuế của mình khi cày cấy, làm ăn. Cho nên, chỉ mong sau khi đắc cử, các vị đại biểu của dân bắt tay thực hiện ngay chương trình hành động như đã cam kết, đừng để “lời hứa” trôi dần qua nhiệm kỳ; phải biết cách làm thế nào để đạt sự xác tín, huy động thêm niềm tin, hội tụ thành sức mạnh để nói lên tiếng nói của dân. Làm được điều đó, những người đại biểu của dân mới xứng đáng là hạt giống hy vọng của quê hương, đất nước.
Giờ G sắp điểm, cử tri Quảng Nam nói riêng, cả nước nói chung sẽ thực hiện quyền bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Điều cần tâm niệm là “những ai muốn làm quan cách mạng thì không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện quyền dân chủ của mình” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắn nhủ đồng bào trong cuộc mít tinh ngày 5.1.1946 ủng hộ cuộc bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên.
“Chọn mặt gửi vàng” là gửi cả niềm tin và khát vọng.
Phúc cho dân tộc, cho đất nước là lựa chọn đúng người có đức và tài, cống hiến vì lợi quyền chung.

Tác giả bài viết: BÁO QUẢNG NAM

Nguồn tin: baoquangnam.com.vn