Cầm cọ lên và sống chậm lại, thấy đời an nhiên

Một buổi chiều cuối tuần, gần 20 bạn trẻ tập trung tại quán cà phê trên đường Võ Thị Sáu (TP.HCM), chăm chú đưa từng nét cọ để họa những nhành cây, chiếc lá.
Phía ngoài kia, từng dòng xe vẫn hối hả qua lại. Vậy nhưng, ở lớp học vẽ Tipsy Art, dường như cái xô bồ của cuộc sống không chạm được vào những tâm hồn đang thăng hoa.

Lớp học cho dân tay ngang

Đúng hai giờ chiều, các học viên đã tập trung đầy đủ. Bạn Trịnh Ngọc Tân (22 tuổi), người chịu trách nhiệm hướng dẫn cho lớp yêu cầu mọi người cùng đặt tay lên bảng vẽ và thực hiện “nghi thức” trước khi bắt đầu học.

“Các bạn hãy tự hứa là không chê tranh của bản thân xấu, cũng không chê tranh người khác xấu”, Tân vừa tươi cười, vừa dõng dạc.

Sau đó, các học viên bắt đầu làm quen với các loại cọ và bảng màu, cách rửa cọ, pha màu, che khuyết điểm cho tranh. Thỉnh thoảng, sợ những bạn ngồi xa không theo kịp bài giảng, Tân lại hỏi: “Các bạn có nghe rõ không? Các bạn có quan sát thấy không?”

Điều đặc biệt của Tipsy Art là đa số những bạn trẻ đến đây đều chưa từng trải qua lớp học vẽ nào. Họ muốn đi tìm một nơi để thư giãn, để trải nghiệm điều mình chưa từng làm, hoặc thậm chí chỉ là thỏa cái ước mơ được cầm cọ.

Các học viên đặt tay lên tranh và tự hứa sẽ không chê tranh của bản thân hay người khác xấu - Ảnh: Bình Minh
Để hướng dẫn cho các bạn chưa hề có kinh nghiệm vẽ tranh, Tân và đội ngũ họa sĩ, kiến trúc sư trẻ cộng tác với Tipsy Art phải thực tập giảng dạy trước rất nhiều lần. Từng lời giải thích đều phải thật đơn giản để bất cứ ai cũng có thể hình dung và làm theo.

“Mục đích của chúng tôi là giúp mọi người thư giãn. Chính vì vậy, học viên không cần đặt nặng kỹ thuật mà chỉ cần cảm thấy vui vẻ và hài lòng với bức tranh của mình”, Tân cho biết.
Các họa sĩ đứng lớp tránh can thiệp quá sâu vào tranh của học viên mà chỉ hỗ trợ khi cần thiết hoặc có yêu cầu trợ giúp. Tranh mẫu do họa sĩ của Tipsy Art tự sáng tác, phải đảm bảo yêu cầu về mỹ thuật nhưng không quá khó để các học viên có thể vẽ theo.

Phạm Thanh Huân (18 tuổi) cho biết ngoài các bài học từ những năm trung học, đây là lần đầu tiên Huân cầm cọ vẽ bức tranh cho riêng mình.

“Các anh chị họa sĩ hướng dẫn rất tận tình, dễ hiểu, từ cách pha màu, cầm cọ, cách vẽ các nét chi tiết sao cho đẹp mắt. Tôi cảm thấy khá ưng ý với tác phẩm của mình”, Huân bộc bạch.


Học cách sống chậm

Tipsy Art do ba người bạn cũng hoàn toàn không có kinh nghiệm vẽ tranh là Bùi Thu Ngân (25 tuổi), Nguyễn Thu Trang và Lê Hoàng (27 tuổi) sáng lập. Ngân cho biết tuy không học chuyên ngành mỹ thuật, nhưng thời gian du học tại Mỹ giúp cô và Trang tiếp xúc với nhiều loại hình nghệ thuật như vẽ tranh, nhảy, làm gốm...

Lớp học Tipsy Art đầu tiên được mở tại Hà Nội vào tháng 12 năm 2015, sau đó tiến vào TP.HCM vào tháng 6 năm nay. Khi mới thành lập, chủ yếu chỉ có bạn bè quen của nhóm đến vẽ ủng hộ.

Đến nay, ngoài đối tượng chính là sinh viên, nhân viên văn phòng đến học, Tipsy Art còn chào đón những vị khách nước ngoài đến từ Malaysia, Nhật Bản, Anh, Pháp, Mỹ hoặc người cao tuổi. Mỗi buổi có khoảng 15-30 học viên tham dự.

Theo Ngân, có những cô chú đã 60, 70 tuổi nhưng cuối tuần vẫn bắt xe buýt đến học và ngâm thơ cho cả lớp nghe, cũng có học viên ‘nhí’ chỉ 5, 6 tuổi.

Trịnh Ngọc Tân hướng dẫn các học viên cách vẽ tranh - Ảnh: Bình Minh
Mục đích của Tipsy Art là mang nghệ thuật đến gần hơn với giới trẻ, đồng thời giúp mọi người có thời gian nghỉ ngơi sau những giờ phút làm việc, học tập căng thẳng.

“Khác với việc xem phim, mua sắm khi rảnh rỗi, thư giãn bằng nghệ thuật giúp chúng ta nuôi dưỡng tâm hồn và phát triển bản thân. Chúng tôi mong các bạn trẻ sống chậm lại, dành thời gian cho mình trong ba tiếng ngắn ngủi của lớp học”, Ngân chia sẻ.

Vy Phương Linh, sinh viên năm I trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM cho biết bạn thích được thoải mái sáng tạo và không bị áp lực về việc đẹp, xấu.

“Tôi thấy mình như trở thành một hoạ sĩ thực thụ, được đeo tạp dề, cầm cọ vẽ. Tôi là người ‘nghiện’ Facebook, luôn mở 3G 24/24 để lên mạng, nhưng suốt lúc học vẽ tôi không hề cầm đến điện thoại. Tôi thấy mình như được sống chậm lại”, Linh chia sẻ.

Trong khi đó, kiến trúc sư trẻ Trịnh Ngọc Tân cho biết việc giới trẻ thích xông pha, nỗ lực là điều hết sức bình thường.

“Tuy nhiên, đâu đó trong quá trình tiến lên, có những khoảnh khắc bạn cũng nên dừng lại, đủ để cảm nhận là mình đang ‘sống’, Tân cười.

Các bạn trẻ chăm chú vào việc sáng tác - Ảnh: Bình Minh

Một học viên tươi cười khi đã gần hoàn thành bức tranh của mình - Ảnh: Bình Minh

Trịnh Ngọc Tân (áo trắng) hướng dẫn cách vẽ cho một học viên ‘nhí’ của Tipsy Art - Ảnh: Bình Minh

 
 

Nguồn tin: Theo TT