Những tấm gương điển hình trong ngành giáo dục huyện Phú Ninh

Trong những năm qua, trên địa bàn huyện Phú Ninh, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác đã đi vào chiều sâu, bước đầu xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có sự góp phần của ngành giáo dục- đào tạo huyện, tạo nên những màu sắc rất riêng trong học tập và làm theo gương Bác.
Xác định việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác là việc làm cần thiết, góp phần nâng cao phẩm chất đạo đức và lối sống đối với mỗi giáo viên, nhân viên và học sinh; Trong những năm qua, trên cơ sở học tập các chuyên đề, tác phẩm về tấm gương đạo đức của Bác, cán bộ, nhân viên ngành giáo dục huyện Phú Ninh đã đăng ký chuẩn mực làm theo của tập thể và cá nhân gắn chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của ngành với nội dung chuyên đề từng năm. Theo đó, hầu hết các chi bộ trường học, giáo viên, nhân viên các trường trên địa bàn huyện đều thực hiện nghiêm túc. Nội dung đăng ký chuẩn mực làm theo khá cụ thể, rõ người, rõ việc, dễ kiểm tra, đánh giá. Trong sinh hoạt chi bộ định kỳ hằng tháng, đều đưa nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác vào, một số chi bộ tổ chức sinh hoạt chuyên đề về học tập và làm theo Bác. Từ đó, xuất hiện nhiều chi bộ có cách làm hay như: vận động cán bộ, giáo viên dạy phụ đạo miễn phí cho học sinh yếu, kém có hoàn cảnh khó khăn; phát động phong trào "mỗi giáo viên nhận giúp đỡ một học sinh học yếu tiến bộ"; thực hiện tiết kiệm để giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tổ chức kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác trong các buổi sinh hoạt dưới cờ; tổ chức hội thi, kể chuyện về Bác Hồ nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn; phát động, tổ chức triển khai thực hiện phong trào "Liên đội, chi đội viết nhật ký làm theo lời Bác"; vận động các nguồn lực xã hội hóa phục vụ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia... tiêu biểu như chi bộ: trường THPT Trần Văn Dư, trường THCS Tam Lộc; THCS Nguyễn Văn Trỗi; Tiểu học Thái Phiên; Mẫu giáo Họa Mi ...
Cùng với cách làm là những mô hình mang lại hiệu quả khá thiết thực, trong đó phải kể đến mô hình dạy phụ đạo miễn phí cho học sinh học yếu, kém có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, được nhiều trường thực hiện, tiêu biểu như: chi bộ Trường THPT Trần Văn Dư, Đảng bộ Trường THPT Nguyễn Dục, chi bộ trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, THCS Tam Lộc, THCS Nguyễn Hiền... Việc làm này tạo hiệu ứng tốt trong học sinh, phụ huynh. Nhiều em, từ học yếu, kém vượt qua mặc cảm, tự ti để vươn lên học lực trung bình và khá.
Từ thực tiễn phong trào đã xuất hiện khá nhiều gương cá nhân điển hình có những việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tiêu biểu như: cô Võ Thị Viết - nhân viên bảo vệ ở Trường THCS Tam Lộc nhiều năm liền đã nhận nuôi học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học từ lớp 6 đến hết lớp 9. Thầy Võ Đình Thanh - Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng trường TH Nguyễn Duy Hiệu là người lãnh đạo gương mẫu, đã lãnh đạo chi bộ và trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nhiều năm liền. Ngoài ra, vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, phụ huynh đóng góp cây xanh, tiền và công để xây dựng cảnh quang của trường xanh sạch đẹp; xây dựng nhà để xe cho học sinh. Cô Huỳnh Thị Nhất - Bí thư chi bộ, Phó hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn Trỗi đã tích cực sưu tầm các sách báo, các mẫu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để làm tư liệu học tập cho chi bộ; luôn sáng tạo trong lãnh đạo chi bộ thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ chính trị; đưa nội dung học tập và làm theo Bác lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa của trường... Lãnh đạo nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, được huyện khen thưởng trong nhiều năm liền. Tích cực vận động cán bộ, giáo viên của trường thực hành tiết kiệm "nuôi heo đất" tạo quỹ giúp đỡ học sinh nghèo. Cô Bùi Thị Loan - trường TH Lê Hoàn, là giáo viên chủ nhiệm lớp có nhiều học sinh mồ côi và học sinh khuyết tật; cô đã ân cần theo dõi giúp đỡ, động viên các em. Đến nay, 3 em học sinh khuyết tật có thể tự thân làm những điều cơ bản: biết ngồi đúng vị trí, biết tự sắp xếp đồ dùng học tập vào cặp sách, biết cầm bút viết bằng tay phải, đọc được một số âm đã học, viết được tên một số bạn trong lớp; hằng tháng, cô còn tiết kiệm đồng lương ít ỏi của mình để hỗ trợ cho các em mua đồ dùng học tập. Cô Phan Thị Mỹ Thanh - Chi ủy viên, Phó hiệu trưởng trường THPT Trần Văn Dư đã tích cực tham gia và vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia các hoạt động xã hội. Cá nhân cô nhận đỡ đầu cho 01 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi mẹ đi học Đại học Luật TP Hồ Chí Minh. Cô Hồ Thị Ký- giáo viên trường TH Trần Quốc Toản luôn chịu khó nghiên cứu, tìm tòi cải tiến phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn, giảng để nâng cao chất lượng giáo dục; quan tâm theo dõi từng em học sinh để kịp thời biểu dương, nhắc nhở, động viên, thường xuyên thông báo kết quả học tập của từng em đến phụ huynh. Luôn chăm lo, giúp đỡ những học sinh yếu kém, có hoàn cảnh khó khăn, học sinh cá biệt. Được sự giúp đỡ của cô, nhiều em tiến bộ rõ rệt. Ngoài những gương nêu trên còn có nhiều cô, thầy: Lê Đức Tường, Võ Thị Minh Đức, Lê Thị Ánh, Bùi Xuân Trinh, Võ Thanh Bình... là những tấm gương sáng trong dạy và học; đã tận tình đến từng gia đình của học sinh tìm hiểu gia cảnh và giúp đỡ cả vật chất lẫn tinh thần để động viên các em chăm chỉ học tập.
 
Hình ảnh người thầy giáo, cô giáo mẫu mực, luôn nêu gương sáng trong dạy học, cũng như trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác đã tạo nên hiệu ứng tốt trong ngành giáo dục và trong phụ huynh, học sinh. Họ xứng đáng là nhà giáo ưu tú trong sự nghiệp trồng người, cần được biểu dương và nhân ra diện rộng.

Tác giả bài viết: Đ.c Nguyễn Văn Trường - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phú Ninh