Di tích lịch sử văn hóa Đình Phú Trà

Di tích văn hóa và lịch sử đình Phú Trà hiện tọa lạc bên dòng kênh Ba Kỳ ở xóm Phú Mỹ, thôn Xuân Phú, xã Tam Thái, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Đình Phú Trà được xây dựng khoảng 400 năm trước, trên một diện tích đất rừng rộng khoảng 5ha. Đến nay ngôi đình Phú Trà vẫn còn nguyên giá trị về lịch sử và văn hóa. Đình Phú Trà đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 13/1/2017.
     Theo lời kể của các vị cao niên sinh sống trong làng, Đình Phú Trà được xây dựng khoảng 400 năm trước, trên một diện tích đất rừng rộng khoảng 5ha, cách vị trí hiện nay khoảng 1000m về phía Bắc. Từ những ngày mở mang bờ cõi về phương Nam của ông cha ta, trong dòng người di cư từ miền ngoài vào miền đất mới, khai hoang lập nghiệp, tạo nên những dòng đất trù phú có nhiều tộc họ lớn như Nguyễn, Phan, Lê, Trần, Trương, Lương, Đỗ, Cao... là những cư dân đầu tiên sinh sống tại Phú Trà. Sau khi đã an cư lập nghiệp, các tộc họ này đã đứng ra huy động nhân dân trong vùng cũng như một số vị chức sắc trong làng xây dựng ngôi đình với quy mô bề thế tại xóm Phú Mỹ, làng Phú Trà, thôn Xuân Phú, xã Tam Thái với mục đích để thờ các vị thành hoàng, các vị tiền hiền, hậu hiền đã có công khai đất lập làng, những người đã góp đất đai của cải cho làng. Đặc biệt, ngôi đình còn dùng để thờ các sắc phong của vua ban cho những người trong vùng đỗ đạt về quê "Vinh quy bái tổ" thường tổ chức vào ngày mùng 10 tháng 7 hàng năm. Lúc bấy giờ, đình được xây dựng cạnh khu vực đông dân cư, trù phú, đình được dựng rất đơn giản, mái lợp tranh, tường đình làm bằng đá núi. Về sau nơi đây trở nên hoang vắng do khí hậu ngày càng khắc nghiệt, đất đai bạc màu, đồng thời kinh tế khó khăn nên nhân dân trong vùng chuyển đến ở những nơi khác.


Đường vào di tích đình Phú Trà trên kênh Ba Kỳ 

     Đến năm 1854, ngôi đình được tháo rời, chọn lọc những cấu kiện gỗ còn tốt chuyển dời đến địa điểm mới cách Gò Làng 500m (vị trí hiện nay) do Thiết thủ Phan Văn Tịnh, Lý trưởng Phan Văn Hòa... đứng đầu cùng nhân dân xây dựng nên bởi những bàn tay tài hoa của thợ làng mộc Văn Hà. Đình được khánh thành vào ngày mùng 6 tháng 6 năm Tự Đức thứ 6 (1854). Một thời gian sau, nhân dân trong vùng xây dựng thêm miếu thờ bên phải ngôi đình để thờ ông bà Trọng, vốn là người giàu có đã đóng góp ruộng đất, của cải cho làng Phú Trà trước khi mất.

      Ngôi đình bao gồm phần Tiền đường và Hậu tẩm, sườn làm bằng gỗ mít, mái lợp ngói vồng, tường gạch và vôi trên nền diện tích gần 300m2 vẫn mang đậm dấu ấn kiến trúc cổ. Bằng tài chạm trổ thủ công của các nghệ nhân tài hoa ngày trước đã để lại cho hậu thế một tuyệt tác có giá trị độc đáo cả về kiến trúc lẫn nghệ thuật. Theo lời người xưa trong làng truyền lại, đình Phú Trà là nơi thờ Thành hoàng ở Tiền đường và thờ các Sắc phong vua ban ở Hậu tẩm. Hàng năm có lễ cúng Khai hạ (Hạ neo) vào dịp 13 tháng Giêng nhằm bắt đầu công việc của một năm mới, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi nảy nở. Lễ Kỳ Yên và tế Thành hoàng được tổ chức vào trung tuần tháng 7 (ngày mùng 10) để cầu cho dân tình yên ổn, nghiệp dữ tiêu trừ, phúc đức trùng lai, làm ăn khấm khá, bốn mùa không hạn hán rủi ro...; Lễ tế Thành hoàng nhằm tri ân công đức vị thần có quyền năng "siêu việt" khai đất lập làng và trấn giữ bảo vệ dân lành. Kết hợp với lễ này là lễ rước sắc từ nhà ông thủ sắc ra đình để làm lễ nhằm tưởng nhớ công trạng của người dân được sắc phong, mặt khác động viên con cháu phấn đấu thành tài và giữ gìn truyền thống của làng cho muôn đời sau.

Quang cảnh lễ hội Kỳ Yên diễn ra hằng năm tại đình Phú Trà

     Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp vào những năm 1942-1943, đình Phú Trà là nơi Mặt trận Việt Minh mà trực tiếp là ông Võ Sạ và ông Nguyễn Tiến Lợi, Chủ nhiệm Việt Minh phủ Tam Kỳ tập trung nhân dân trong làng để tuyên truyền và học tập 10 chính sách của Mặt trận gồm: Phản đối xâm lược, Tiêu trừ Việt gian lập nên một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa hoàn toàn độc lập; Vũ trang nhân dân chống xâm lược và mở rộng quân giải phóng Việt Nam; Tịch thu gia sản của lũ giặc nước và việt gian. Tùy trường hợp cụ thể mà để lại làm của chung hoặc chia cho dân nghèo; Bỏ các loại thuế khóa do đế quốc đặt ra; Thực hiện quyền tự do dân chủ và quyền phổ thông tuyển cử, công nhận quyền dân tộc bình đẳng, nam nữ bình quyền; Chia lại ruộng công làm cho dân nghèo có ruộng cày cấy, giảm tô địa, lợi tức, hoãn nợ. Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, đình là nơi dân làng tập trung để tập dượt đấu tranh chống sưu cao thuế nặng và đòi quyền dân sinh, dân chủ. Ngoài ra, đình còn là nơi trai tráng trong làng luyện tập võ nghệ truyền thống. Cũng chính từ sân đình này, dân binh của ta tập luyện dưới sự hướng dẫn của ông Trần Đào kết hợp với dân binh làng Xuân Trung đã tập trung tại rừng Đình Gò Trời. Dưới sự chỉ huy của ông Võ Sạ cùng các cánh quân từ núi Quảng Phú lên đã phối hợp với mũi chính do ông Nguyễn Tiến Lợi chỉ huy từ rừng Khương Mỹ ra, đánh chiếm đồn Đại Lý giành chính quyền cho toàn Phủ vào ngày 18/8/1945.

     Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đình Phú Trà là nơi các đoàn thể Nông, Thanh, Phụ, Lão hội họp và bàn việc sản xuất; giới thiệu người ứng cử và tổng tuyển cử trong cả nước; động viên nhân tài vật lực cho tiền tuyến như vận động thanh niên nhập ngũ, dân công hỏa tuyến, tải đạn ra chiến trường; vận động nhân dân góp gạo nuôi quân, xây dựng hầm hào trú ẩn và sẵn sàng hỗ trợ quân đội nước bạn Lào và cán bộ Phòng Biên chính miền Nam Trung bộ; hỗ trợ đồng bào phía bắc sông Thu Bồn tản cư vào vùng tự do Tam Kỳ của ta lánh nạn; ngoài ra đình còn là nơi mở các lớp bình dân học vụ thực hiện phong trào chống giặc dốt trong nhân dân.

     Sau hiệp định Giơnevơ được ký kết, ngày 21 tháng 7 năm 1954 với các điều khoản ràng buộc rõ ràng, trong đó các bên có thời hạn tập kết, chuyển quân và lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời chờ 2 năm tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng chính quyền Mỹ Diệm bất chấp, ngang nhiên xé bỏ Hiệp định, thực hiện truy lùng bắt bớ, giam cầm, tra tấn những người liên can và tình nghi cộng sản. Thời gian này đình bị chính quyền địch chiếm dụng làm việc hành chính ban ngày và ban đêm trở thành nơi khai thác bức cung nhục hình, đánh đập cán bộ đảng viên của ta cài cắm lại hoạt động. Hằng đêm dân làng tại đây luôn nghe thấy tiếng đánh đập và kêu la thảm thiết của người bị tra xét trước khi đưa về Khu Tây Khánh Thọ để tiếp tục giam cầm, tra tấn đến chết.

     Sau ngày giải phóng, đình Phú Trà trở thành nơi sinh hoạt của hợp tác xã và đội sản xuất. Do sự ảnh hưởng của chiến tranh, ngôi đình ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2004, UBND thị xã Tam Kỳ đã cho tháo dỡ đình để giữ gìn các cấu kiện gỗ còn lại. Hiện nay, đình Phú Trà đã được phục dựng lại nhằm giữ gìn các giá trị văn hóa lịch sử của địa phương, trở thành nơi sinh hoạt của nhân dân trong vùng.

     Qua thời gian và chiến tranh, đến nay ngôi đình Phú Trà vẫn còn nguyên giá trị về lịch sử và văn hóa. Bằng tài chạm trổ thủ công của các nghệ nhân tài hoa ngày trước đã để lại cho hậu thế một tuyệt tác có giá trị độc đáo cả về kiến trúc lẫn nghệ thuật. Đình Phú Trà được xem như một nơi thể hiện rõ nét đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của cư dân trong làng đối với các vị Thành hoàng, các anh hùng có công đánh giặc bảo vệ quê hương, đất nước; nơi minh chứng cho tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng gắn kết của những cư dân. Đình là nơi diễn ra biết bao sự kiện lịch sử bi hùng của làng xã, của quê hương; gắn liền với bao biến cố và ghi dấu ấn về lịch sử cách mạng. Đình còn là nơi hằng năm chư họ, tộc phái tìm về, ôn lại những công đức của các vị tiền nhân, cha ông, nơi sinh hoạt truyền thống của các tộc họ, nơi tuyên dương những gia đình văn hoá, những gương hiếu học, dâu hiền, rể thảo, những công dân gương mẫu ở địa phương... Với những ý nghĩa đó, ngày 13/1/2017, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Quyết định số 152, công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đối với di tích đình Phú Trà. Điều này đã góp phần giáo dục cho các thế hệ trẻ về ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước.
 

Toàn văn bài phát biểu của tuổi trẻ Tam Thái tại buổi đón nhận Đình Phú Trà là di tích lịch sử cấp tỉnh.
 
     Tuổi trẻ xã Tam Thái, vô cùng vinh dự và tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên quê hương Tam Thái anh hùng; giàu truyền thống văn hóa, cách mạng. Đặc biệt nơi đây còn là mảnh đất đã lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử, văn hóa của vùng đất và con người Quảng Nam nói chung, xã Tam Thái, huyện Phú Ninh nói riêng với nhiều di tích mang ý nghĩa lịch sử quan trọng như: di tích Địa đạo Gò Nông; Nhà thờ tộc Nguyễn, Chứng tích Khánh Thọ,… và hôm nay xã nhà tiếp tục có thêm một niềm vinh dự khi Đình Phú Trà được đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh.  
     Đình Phú Trà trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp vào những năm 1942-1943, là nơi Mặt Trận Việt Minh mà trực tiếp là ông Võ Sạ và ông Nguyễn Tiến Lợi tập trung nhân dân trong làng để tuyên truyền và học tập trọng tâm 10 chính sách của Mặt trận bao gồm: Phản đối xâm lược, tiêu trừ Việt gian lập nên một nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hoàn toàn độc lập; Vũ trang nhân dân chống xâm lược và mở rộng quân giải phóng Việt Nam; Thực hiện quyền tự do dân chủ và quyền phổ thông tuyển cử, thú nhận quyền dân tộc bình đẳng, nam nữ bình quyền; Chia lại ruộng công làm cho dân nghèo có ruộng cày cấy. Thi hành luật ngày làm 8 giờ, đặt luật xã hội bảo hiểm, cứu tế nạn dân; Thành lập và mở mang nền kinh tế quốc dân. Khuyến khích và giúp đỡ công nghiệp nông nghiệp và thương mại, lập quốc gia ngân hàng, chống mù chữ. Thân thiện với các nước, coi trọng nền giáo dục Việt Nam…..; Ngoài ra, đình còn là nơi trai tráng trong làng luyện tập võ nghệ truyền thống


Đ/c Nguyễn Văn sơn đại diện cho tuổi trẻ Tam Thái phát biểu tại buổi lễ
 
Trải qua thời gian chiến tranh đến nay đình Phú Trà đã để lại trong lòng nhân dân và thế hệ trẻ những giá trị lịch sử và văn hóa của người xưa; là nơi thể hiện rõ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, là biểu tượng sáng ngời của ý chí quyết tâm và sức mạnh của tuổi trẻ xã Tam Thái. Những tấm gương dũng cảm của các thế hệ cha anh đi trước mãi mãi là niềm tự hào của tuổi trẻ hôm nay. Vì vậy tuổi trẻ chúng tôi luôn tâm niệm mỗi bạn trẻ hôm nay cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, công việc của mình thì đã là hành động thiết thực nhất thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của tuổi trẻ đối với những cống hiến, hy sinh của những thế hệ cha anh đi trước. Chính vì vậy, với tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo. Tuổi trẻ xã Tam Thái tiếp tục phát động các phong trào và tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm góp phần trong công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá lịch sử truyền thống của quê hương. Tổ chức truyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc gìn giữ và chăm sóc khu di tích lịch sử Đình Phú Trà trở thành địa chỉ đỏ thật sự của tuổi trẻ. Là nơi sinh hoạt truyền thông của tuổi trẻ xã nhà như: tổ chức hành trình về địa chỉ đỏ, sinh hoạt truyền thống, thắp nến tri ân, lễ kết nạp Đoàn – Hội - Đội, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tham gia tôn tạo, làm đẹp cảnh quan, trồng cây xanh nhân các ngày lễ, tết… Hôm nay đây, nhìn công trình được phục dựng, trùng tu, tôn tạo đã phần nào làm ấm lòng các nghệ nhân, đồng bào đã hy sinh, mỗi chúng ta càng tự hào hơn về lịch sử, truyền thống cách mạng của quê hương Tam Thái anh hùng. Tuổi trẻ xã nhà càng tự hào hơn khi có một địa chỉ đỏ để tiếp tục giáo dục truyền thống cho tuổi trẻ./.
Tác giả bài phát biểu: Nguyễn Văn Sơn
 

Tác giả bài viết: TT VH Huyện