Tại hội nghị nghiệm thu đề tài khoa học cấp bộ với chủ đề: “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật Hoạt động giám sát của nhân dân” diễn ra ngày 17/5, TS. Nguyễn Quang Minh, Chủ nhiệm đề tài cho biết, trong thời gian qua, nhiều văn kiện của Đảng đã đề cập đến quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động của Đảng và Nhà nước.

Trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định quyền giám sát của nhân dân, làm cơ sở pháp lý quan trọng để nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Để nâng cao chất lượng hiệu quả của hoạt động giám sát của nhân dân, cần tập trung ưu tiên thực hiện việc nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật Hoạt động giám sát của nhân dân nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền giám sát của nhân dân.

Theo đó, việc sớm khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật Hoạt động giám sát của nhân dân là rất cần thiết nhằm thể chế hoá, cụ thể hoá chủ trương, quan điểm của Đảng, quy định của Hiến pháp về phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. 

Tại hội nghị, các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu cho rằng, việc nghiên cứu Đề tài "Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật Hoạt động giám sát của nhân dân" là quan trọng và cần thiết. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã tham gia đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện về hình thức và nội dung nghiên cứu của đề tài.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, Đề tài khoa học "Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật Hoạt động giám sát của nhân dân" có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Việc triển khai nghiên cứu đề tài rất đúng thời điểm, bởi quyền giám sát của nhân dân đối với các hoạt động của Đảng, Nhà nước, mặc dù đã được quy định trong cương lĩnh chính trị và các văn kiện của Đảng, Hiến pháp và nhiều văn bản quy phạm pháp luật.

Ông Nguyễn Hữu Dũng chỉ ra nguyên nhân chủ yếu do chưa có đạo luật quy định thống nhất cho hoạt động giám sát của nhân dân, bởi trên thực tế việc thực hiện quyền giám sát của nhân dân còn nhiều hạn chế, bất cập, vướng mắc.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, việc xây dựng Luật Hoạt động giám sát của nhân dân sẽ góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Chương trình hành động số 3 Đại hội MTTQ Việt Nam khóa IX nhiệm kỳ 2019 - 2024 đã đề ra yêu cầu về nghiên cứu, đề xuất xây dựng Dự án Luật về hoạt động giám sát của nhân dân. Từ đó, đề tài đã được các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá phù hợp và cần thiết để nghiên cứu.

Từ những ý kiến đóng góp của nhà khoa học trong Hội đồng nghiệm thu, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, Ban Chủ nhiệm Đề tài cần tiếp thu các ý kiến phản biện của Đề tài, rà soát các nội dung, bổ sung đầy đủ, chính xác về từ ngữ, hoàn thiện đề tài về hình thức và nội dung.

Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng tin rằng, với kết quả nghiên cứu được Hội đồng nghiệm thu đã công nhận đạt xuất sắc sẽ góp phần vào việc đưa ra các cơ sở lý luận và thực tiễn, đề xuất giải pháp xây dựng Luật Hoạt động giám sát của nhân dân thời gian tới.

Thanh Thanh