Mô hình chăn nuôi gà trên nền đệm lót sinh học

Chăn nuôi trên địa bàn huyện Phú Ninh trong những năm gần đây được khuyến khích phát triển tại các vùng theo hướng nông trại tương đối mạnh, như mô hình chăn nuôi heo nái ngoại, gà an toàn sinh học... đã được nhân rộng và phát triển với quy mô lớn. Tuy nhiên, khi chăn nuôi đã phát triển mạnh thì lượng chất thải chăn nuôi nhiều lên, trong khi đó người dân có xu hướng ít dùng phân chuồng, mà chủ yếu là phân vô cơ bón cho đồng ruộng, dẫn tới chất thải chăn nuôi thải bữa bãi, gây ô nhiễm môi trường sống...
Năm 2013, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quảng Nam, Trạm KNKL huyện đã xây dựng và triển khai mô hình ứng dụng công nghệ đệm lót sinh học bằng chế phẩm men vi sinh trong chăn nuôi gà an toàn sinh học với quy mô 600m2 nền chuồng gà tại 10 hộ dân của xã Tam Thái. Mô hình này được người dân hưởng ứng đồng tình cao và ngành chuyên môn sẽ nhân rộng trên địa bàn huyện trong thời gian đến...

Theo ông Nguyễn Văn Kỉnh-Trưởng Trạm KNKL huyện Phú Ninh: Chúng tôi triển khai mô hình này vì nó giảm lượng chất thải trong chăn nuôi, giảm thiểu mùi hôi trong chuồng trại, hạn chế ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây ra và giảm chi phí công lao động.
 

Được biết, đệm lót trong mô hình chăn nuôi này là lúc đầu, người chăn nuôi rải đều lớp trấu dày từ 10-15 cm lên nền chuồng, sau đó thả gà vào nuôi. Sau một thời gian quan sát trên bề mặt chuồng thấy phân rải kín, người chăn nuôi dùng cào cào lớp mặt đệm lót cho tơi xốp. Lấy 2 kg chế phẩm men đã ủ, rãi đều lên toàn bộ bề mặt đệm lót. Tiếp theo dùng tay xoa trên bề mặt để men được phân tán đều khắp. Chị Nguyễn Thị Kim Hoàng-một chủ hộ tham gia mô hình này với số lượng đàn gà hiện có trên 2.000 con - tại thôn Hòa Bình,xã Tam Thái đã cho biết về cách làm chế phẩm men: Đem 2 kg chế phẩm BALASA N01 trộn đều với 15 kg bột ngô, cho thêm hơn 5 lít nước sạch, xoa cho ẩm đều sau đó cho vào túi hoặc thùng và để chỗ ấm, ủ trong 2-3 ngày, và số lượng này dùng trên 50m2 nền chuồng nuôi...

Qua thời gian gần 3 tháng triển khai thực hiện, bước đầu cho thấy hiệu quả của mô hình đệm lót sinh học. Với hộ ông Nguyễn Đức Hậu-người tham gia mô hình cho biết: Tôi tham gia diện tích nuôi 100m2 với số lượng 600 con gà thịt giống Minh Dư. Trước đây, nuôi bằng cách truyền thống thì luôn bị bệnh về đường hô hấp và đường ruột, tỷ lệ hao hụt cao, gà tăng trọng thấp, nhất là mùi hôi thối từ chất thải không những gây ô nhiễm môi trường mà ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con xung quanh. Nhưng khi thực hiện mô hình đệm lót sinh học thì hiệu quả cải thiện đáng kể, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp không thấy biểu hiện, gà tăng trọng nhanh, độ đồng đều cao, môi trường được giải quyết một cách cơ bản, không còn mùi hôi thối...

mohinhgatamthai

Mô hình chăn nuôi gà bằng đệm lót sinh học của chị Nguyễn Thị Kim Hoàng-Tam Thái-Phú Ninh

Theo phần lớn các hộ tham gia mô hình cũng như các hộ chung quanh hưởng ứng, tự áp dụng theo mô hình thì, sau khi trừ đi các khoản chi phí về giống, thức ăn, thú y... mỗi con gà, người nuôi thu lợi từ 20.000-25.000 đ. Nếu bình quân mỗi hộ nuôi 300 con/lứa, thì khi xuất bán sẽ cho lãi ròng từ 6-7.5 triệu đồng.

Mô hình chăn nuôi gà trên nền chuồng đệm lót sinh học là mô hình phù hợp với phát triển chăn nuôi theo hướng nông nghiệp sạch, phát triển bền vững, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi diện tích đất cho phát triển chăn nuôi gia trại và trang trại đang gặp khó khăn, đặc biệt là đối với các nơi tập trung dân cư đông đúc. Việc ứng dụng công nghệ đệm lót sinh thái bằng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi gà an toàn sinh và chăn nuôi heo đảm bảo vệ sinh môi trường góp phần đáng kể hạn chế ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, đây là mô hình dễ ứng dụng, vốn đầu tư không cao, thực hiện trong thời gian ngắn nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao cho người chăn nuôi.../.

Nhất Linh

Nguồn tin: phuninh.gov.vn