MÔ HÌNH NUÔI THỎ CỦA ANH NINH QUANG AN – ĐOÀN VIÊN THANH NIÊN XÃ TAM THÁI

Trên cơ sở việc giúp nhau làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trong thanh niên, trong những năm qua, trên địa bàn xã Tam Thái, huyện Phú Ninh đã hình thành nhiều mô hình, cách làm hiệu quả như mô hình nuôi heo hướng nạc, nuôi gà thả vườn và trong đó phải kể đến mô hình nuôi thỏ của đoàn viên Ninh Quang An ở thôn Khánh Thịnh, xã Tam Thái.
   Sinh năm 1990, trước khi đến với nghề nuôi thỏ, chàng trai 25 tuổi đã từng làm thợ Nhiệt, điện lạnh ở siêu thị điện máy Nguyễn Kim-Đà Nẵng một thời gian. Trong một lần đi theo người anh thăm quan Trung tâm nghiên cứu Dê và Thỏ Sơn Tây (Hà Nội) anh vô cùng thích thú với công việc chăm sóc Thỏ. Quyết định bỏ nghề đang làm, năm 2012 anh trở về quê hương khởi nghiệp với 20 cặp thỏ giống Newzealand.  
   Từ nguồn vốn ban đầu khoảng 30 triệu đồng vay mượn từ bạn bè, người thân và sự hỗ trợ của Đoàn xã Tam Thái, nhờ áp dụng tốt các kiến thức về chăn nuôi qua tài liệu và học hỏi kinh nghiệm sau 4 tháng anh đã trả hết nợ, từ 20 cặp thỏ giống ban đầu đến nay anh đã phát triển thêm 30 cặp với hơn 300 thỏ thịt. Trung bình thỏ đẻ 6 lứa/năm, mỗi lứa từ 6 - 8 con. Sau 3 tháng nuôi là có thể xuất chuồng, trọng lượng mỗi con khi đó đạt từ 2,5 - 3,0kg. Với giá bán hiện tại giao động từ 90.000 - 150.000 đ/kg, mỗi tháng tiền thu về từ 8-10 triệu đồng lãi ròng chưa kể việc làm đầu mối thu mua thỏ.
 
   Để nuôi thỏ đạt hiệu quả, Anh An cho biết, trước tiên cần chọn giống tốt, khi thỏ trên 30 ngày tuổi, khối lượng hơn 1kg/con, hoạt bát, khoẻ mạnh; chuồng nuôi phải thông thoáng, sạch sẽ, dễ quét dọn vệ sinh. Vật liệu làm chuồng có thể là tre, gỗ, chuồng cần đảm bảo chắc chắn, bố trí nơi thoáng mát, thuận tiện trong quá trình vệ sinh chuồng trại. Nguồn thức ăn của thỏ khá dồi dào, dễ kiếm, dễ trồng và sẵn có quanh năm, từ các loại cỏ, lá cây, củ quả, ngũ cốc cho đến các loại thức ăn viên chuyên dụng; nên thay đổi nguồn thức ăn phù hợp với điều kiện sinh trưởng của thỏ. Đối với việc tiêm phòng, thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng của chúng để kịp thời phòng trị các dịch bệnh, nhất là bệnh ghẻ lỡ và tụ huyết trùng, thời điểm tiêm ngừa thích hợp là lúc thỏ con được 1kg và 2kg, riêng thỏ nái cần chủ động tiêm ngừa trước khi phối giống.
   Từ hiệu quả của mô hình, anh An đã giúp đỡ các thanh niên khó khăn trên địa bàn tiến hành nuôi thỏ, bên cạnh đó anh còn hỗ trợ về con giống, thức ăn cũng như kỹ thuật chăn nuôi cho một số thanh niên ở Huyện Núi Thành. Tại các trại chăn nuôi vệ tinh này anh ký hợp đồng đảm bảo đầu ra sản phẩm. Được biết hiện nay trại chăn nuôi thỏ của Anh An đang là đối tác của số lượng lớn các nhà hàng từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và một số siêu thị lớn trên địa bàn Đà Nẵng.
   Biết được hiệu quả của mô hình vừa qua đoàn cựu chiến binh và thanh niên xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh cũng đã tổ chức thăm quan học hỏi tại trại của anh Ninh Quang An và một số mô hình khác trên địa bàn xã Tam Thái. Trong thời gian tới để tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình chăn nuôi thỏ của thanh niên thôn Khánh Thịnh, Ban Chấp hành xã đoàn đang tiến hành nghiên cứu triển khai nhân rộng cho các đoàn viên trong toàn xã vì mô hình có vốn đầu tư tương đối thấp, nguồn thức ăn cho thỏ dễ tìm, ít tốn công chăm sóc, mang lại thu nhập ổn định. Anh Nguyễn Văn Sơn Bí thư Đoàn xã Tam  Thái cho biết: Với sự năng động, sự nỗ lực và tinh thần dám nghĩ, dám làm của một người trẻ tuổi, Ninh Quang An là tấm gương tiêu biểu trên lĩnh vực phát triển kinh tế thanh niên cho tuổi trẻ xã Tam Thái và đông đảo lực lượng tuổi trẻ nói chung noi theo để khẳng định mình và vươn lên lập thân, lập nghiệp làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Tác giả bài viết: Đoàn xã Tam Thái