Hồ Chí Minh: "Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ..."

Hồ Chí Minh: "Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ..."
Sinh ra trên quê hương Nghệ An hiếu học, được tiếp thu truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, Hồ Chí Minh luôn luôn coi học tập là mục đích suốt đời và đề cao vị trí, vai trò của người thầy. Có động cơ học tập trong sáng, luôn tạo cho mình tâm thế chủ động trong tiếp thu và vận dụng những lời dạy của người đi trước, đó là cách Hồ Chí Minh đã học và hành.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, Người nhận thấy: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giê su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó, chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta”. Khổng Tử, Giê su, Mác, Tôn Dật Tiên đều mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Do đó, Người nói: “Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy” (1).   

Tiếp thu tinh hoa văn hoá phương Đông và phương Tây trong quá trình tự học, Hồ Chí Minh đã khắc phục được hạn chế của các bậc tiền bối, không tuyệt đối hoá ưu điểm cũng như hạn chế của các học thuyết. Với cái nhìn biện chứng, Người luôn đặt các học thuyết vào bối cảnh lịch sử - cụ thể để học được những điều bổ ích.   

Chính sự tu dưỡng đạo đức cá nhân, tấm lòng thương yêu con người cùng quá trình hoạt động cách mạng sôi nổi đã giúp Hồ Chí Minh đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin. Đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu bước chuyển biến trong nhận thức và tư tưởng của Người. Người đã học được trong Chủ nghĩa Mác - Lênin phương pháp biện chứng và hơn thế nữa, đó là con đường đánh đổ ách thống trị đế quốc, giải phóng dân tộc Việt Nam: con đường cách mạng vô sản.   

Khi Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước (năm 1911) và cả một thời gian dài sau đó, các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX diễn ra sôi nổi nhưng cuối cùng đều thất bại. Các chí sĩ yêu nước bế tắc trong việc tìm kiếm một con đường giải phóng dân tộc: “Đọc sách triệu trang mà bất lực/ Bạc đầu xin phụ nỗi thương dân”. Nói về khoảnh khắc bắt gặp chân lý của cuộc đời, Nguyễn Ái Quốc viết: “Trong Luận cương ấy, có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của V.I Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đoạ đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”(2).   

Tôn sư trọng đạo, Nguyễn Ái Quốc đã học được trong Chủ nghĩa Mác - Lênin tư duy biện chứng để ngay từ đầu, Người đã có thiên hướng tiếp thu và vận dụng học thuyết Mác - Lênin một cách chủ động, sáng tạo: “Vận dụng công thức của Các Mác, chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện bằng sự nỗ lực của bản thân anh em”(3). Kế thừa học thuyết Mác, nhưng xuất phát từ thực tế ở thuộc địa, nhất là các nước thuộc địa phương Đông, Người nhận thấy không thể áp dụng một cách rập khuôn lý luận đấu tranh giai cấp của Mác vào các nước này mà cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Cũng chính nhờ nắm vững và vận dụng sáng tạo tinh thần học thuyết Mác mà Người đã có những dự báo đúng đắn, lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua chông gai, thử thách, đi đến thắng lợi.   

Tôn sư trọng đạo chính là phải làm sao để lời dạy của thầy luôn đúng! Điều đó đòi hỏi người học trò phải biết tiếp thu và vận dụng một cách sáng tạo. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã làm được điều này. Người vừa đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại, bảo vệ Chủ nghĩa Mác - Lênin, vừa đưa ra những quan điểm mới nhằm bổ sung, phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin. Điều đó có được là nhờ Người đề ra mục đích học tập rõ ràng: “học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”(4). Hay cũng chính là: học để sửa chữa tư tưởng, học để tu dưỡng đạo đức cách mạng, học để tin tưởng và học để hành: “khi học tập lý luận thì nhằm mục đích học để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận”(5) để “loè thiên hạ” hay để ra vẻ “ta đây”, không phải học thuộc lòng câu chữ lý luận mà học để phân tích, lý giải những vấn đề của cách mạng Việt Nam và khi vận dụng lý luận “thì bổ sung, làm phong phú thêm lý luận bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn cách mạng của ta”(6). Người đề cao sự tự do, độc lập trong học tập “phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ… Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi “vì sao?”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có phù hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không”(7). Có động cơ học tập trong sáng, luôn tạo cho mình tâm thế chủ động trong tiếp thu và vận dụng những lời dạy của người đi trước, đó là cách Hồ Chí Minh đã học và hành.   

Hiếu học, tôn sư trọng đạo là truyền thống quý báu của dân tộc ta từ ngàn xưa mà Hồ Chí Minh là một minh chứng tuyệt vời. Chính nhờ truyền thống dân tộc, cùng với năng lực cá nhân, Người đã tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại, cả phương Đông và phương Tây.   

Năm 1923, nhà thơ Liên Xô, Ô-xíp Man-đen-xtam đã viết những dòng sau đây: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã toả ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá Âu châu, mà có lẽ là nền văn hoá tương lai... Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới” (8). Người tự nhận mình là người học trò nhỏ của của các vị tiền bối, nhưng qua tư tưởng và hành động, ta thấy Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là một học trò xuất sắc, kế thừa và phát triển lý tưởng của những người thầy.   

------------------------------ 
(1): Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, Viện nghiên cứu tôn giáo: Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng, NXB Khoa học xã hội, H.1996, tr. 152. 
(2): Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.1996, tập 1, tr.127 
(3): Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sách đã dẫn (Sđd), tập 2, tr.128 
(4): Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.684 
(5): Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 8, tr.497   
(6): Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 8, tr.497 
(7): Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 8, tr.499 
(8): GS. Song Thành (chủ biên): Hồ Chí Minh tiểu sử, NXB Lý luận chính trị, H.2006, tập 8, tr.130.
ThS. Nguyễn Thị Bích ThuýKhoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực IV

Nguồn tin: www.xaydungdang.org.vn